Người tiêu dùng đang chịu thiệt nặng nề
Theo tính toán, giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn so với các nước trong khu vực. Cụ thể, giá cước taxi trung bình ở Băng - cốc (Thái Lan) là 3.800 đồng/km, ở Manila (Philippines) là 5.700 đồng/km, ở Jakarta (Indonesia) là 6.300 đồng/km, Singapore là 8.700 đồng/km, trong khi đó, giá cước taxi trung bình tại Hà Nội là 11.000 - 13.900 đồng/km, tại TP Hồ Chí Minh là 14.500 - 15.500 đồng/km.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết, trong vận tải ô tô, giá xăng dầu chiếm từ 25 - 35% giá thành cước vận tải. Thế nhưng, việc giá xăng xầu liên tục giảm trong thời gian qua, nhưng các DN vận tải vẫn chần chừ giảm giá cước, gây thiệt hại nặng nề cho NTD.
Trước tình trạng đó, ngày 8/9, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (VINASTAS) đã tổ chức tọa đàm
nhằm đề xuất các biện pháp giảm giá cước, bảo vệ quyền lợi NTD, hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các công cụ chính sách, đảm bảo sự lành mạnh của thị trường. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cho rằng, xăng, dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Đặc biệt, với ngành vận tải, xăng dầu chiếm tới 40% chi phí, khi xăng dầu giảm giá, các DN vận tải vẫn chần chừ giảm, đây là một sự "bất bình thường" không thể chấp nhận được. “Nếu các DN không tuân thủ các quy định của thị trường, các cơ quan quản lý phải có sự vào cuộc” - ông Hùng nhấn mạnh.
Cân bằng lợi ích giữa DN và NTD
Ông Nguyễn Quốc Chiến - Trưởng Ban Vật giá, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho rằng, báo chí thời gian qua phản ánh rất nhiều về việc các DN vận tải không chịu giảm cước khi giá xăng dầu liên tục giảm. Trong khi đó, dù hành lang pháp lý đã có (Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành…), nhưng các cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi... không thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn.
Thế nhưng, theo ông Chiến, báo chí mới chỉ phản ánh vấn đề này về hình thức chứ không đúng bản chất của sự việc, “đổ lỗi” cho các DN chứ chưa thực sự đặt mình vào vị trí của DN để xem xét khách quan việc tăng - giảm giá và hiệu quả kinh doanh.
Bởi theo quy định, cơ chế quản lý giá hiện hành đối với giá cước vận tải thực hiện theo cơ chế thị trường (DN tự kê khai giá). Ở thời điểm ngày 21/1/2015, các DN vận tải đã làm rất tốt việc kê khai giá có sự giám sát của Sở Tài chính. Từ 21/1 - 5/2015, giá xăng dầu tăng rất mạnh lên đến gần 30%. Nếu theo quy định về kê khai lại giá khi đơn vị điều chỉnh tăng, giảm giá vượt mức 3% so với giá kê khai liền kề trước đó thì giá cước vận tải (taxi) phải tăng từ 6 – 8%, tuy nhiên các đơn vị này chỉ điều chỉnh tăng giá có 5%. Từ tháng 5 tới nay, tuy giá xăng dầu có giảm nhưng “tổng mức giảm vẫn thấp hơn tổng mức tăng” ở thời điểm trước thời điểm liền kề. Như vậy, ông Chiến cho rằng, hiện DN đang chịu “tiếng oan” neo giá.
Ý kiến của ông Chiến không được sự đồng tình từ ông Nguyễn Nam Vinh (nguyên Chủ nhiệm văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam). Ông Vinh nêu câu hỏi: Cùng sử dụng một dịch vụ như nhau, nhưng hôm trước tôi phải trả ngần này tiền. Nay giá xăng dầu đã giảm mạnh, và tôi cũng sử dụng dịch vụ y như trước mà vẫn phải trả số tiền bằng với lúc giá xăng dầu chưa giảm thì có phải là không công bằng không?
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam thất vọng vì không có đại diện DN vận tải nào tới dự buổi Tọa đàm: “Từ đầu tới giờ, các diễn giả chỉ nói một chiều và người nghe (hầu hết là các nhà báo) cũng chỉ được nghe một chiều. Nếu chúng ta được nghe ý kiến từ các DN vận tải về nguyên nhân vì sao họ chậm giảm cước khi giá xăng dầu đã giảm liên tục thì sẽ khách quan hơn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam, thị trường kinh doanh vận tải cũng vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một thị trường "không hoàn thiện". Đứng trước hiện tượng không bình thường, gây thiệt hại cho NTD như thế này, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, xem xét cụ thể những lý do DN đưa ra để giải thích cho việc chậm giảm giá nhằm bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời cân bằng lợi ích của DN.
Đón khách tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Trần Anh
|
Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả của ngành vận tải, giảm giá cước là một xu hướng tất yếu. Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ đề nghị cho phép triển khai Đề án thí điểm GrabCar. Tôi tin rằng, những phần mềm ứng dụng này sẽ giúp tăng hiệu quả trong điều hành và quản lý vận tải, giảm tỷ lệ xe rỗng chạy trên đường, giúp giảm giá cước. Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam |