Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trong những tháng còn lại của năm 2016, công tác quản lý, điều hành giá dự báo gặp nhiều thách thức. Nhiều yếu tố gây áp lực Tính từ tháng 2 năm nay, CPI đã tăng liên tục trong 6 tháng. Đây là hiện tượng hiếm thấy trong 20 năm qua. "Đi đầu" về mức tăng giá là nhóm dịch vụ y tế khi tăng tới hơn 25% do tác động của việc điều chỉnh giá (vào tháng 3/2016). Tiếp đến là nhóm lương thực thực phẩm, giáo dục... Theo PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố sẽ gây áp lực lên CPI. Đặc biệt tới đây khi các mặt hàng nhóm y tế và giáo dục tiếp tục được đồng loạt điều chỉnh, những ảnh hưởng do thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá... “Năm 2016, theo tôi, khó thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5%. Dự báo có thể lên tới 5,2%” - ông Long nhận định.
Dù cho rằng lạm phát vẫn được kiểm soát, nhưng trong báo cáo gần đây, Bộ KH&ĐT cũng tỏ ra hết sức lo ngại khi “vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao”. Mức tăng 2,39% trong 7 tháng năm 2016 là ở mức trung bình so với một số năm trước, song về xu thế thì đây là mức tăng khá lớn nếu so với mức tăng của những năm gần đây. “Việc CPI tăng mạnh trong 7 tháng qua đã chấm dứt tình trạng CPI giảm dần trong các năm từ 2011 cho tới nay và bắt đầu một giai đoạn mới theo chiều hướng tăng lên của CPI” - ông Nguyễn Ngọc Tuyến - chuyên gia của Viện Kinh tế tài chính nhận định. Cẩn trọng trong điều hành Trong các báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR); Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam của World Bank, hay mới đây nhất là tại Hội thảo Nhận định giá cả, thị trường ở Việt Nam những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế đều chung khuyến cáo, cần cẩn trọng trong điều hành lạm phát những tháng cuối năm. Về lý thuyết, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế, song trong bối cảnh hiện nay, tăng tín dụng chưa hẳn đã hiệu quả, mà lại còn có thể gây áp lực lên lạm phát. Vì nếu kinh tế bất trắc, luồng tiền khi đó có thể lại đổ vào thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ…, mà không đổ vào sản xuất, kinh doanh. Liên quan đến vấn đề tín dụng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, xuất khẩu và kiên quyết kiểm soát chặt giải ngân vốn, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Với quan điểm trên của NHNN, khả năng chính sách tiền tệ thời gian tới vẫn sẽ giữ ở mức độ ổn định, có dư địa cần thiết để đối phó với lạm phát. "Kiểm soát lạm phát dưới 5% như mục tiêu đặt ra phụ thuộc vào điều hành giá dịch vụ giáo dục và y tế từ nay đến cuối năm. Trường hợp có những biến động về địa chính trị, biến động kinh tế thế giới ảnh hưởng đến tỷ giá, Chính phủ cần lưu ý ổn định thị trường tiền tệ nhằm hạn chế vấn đề tăng giá. Ngoài ra, bội chi chắc chắn phải kiểm soát, từ nay đến cuối năm tiếp tục phải giảm bội chi ngân sách Nhà nước" - đại diện Tổng cục Thống kê kiến nghị tại buổi công bố báo cáo thông kê tháng 7 về những giải pháp kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm.
CPI sau 7 tháng (%) qua các năm |