Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó khả thi nếu không giảm tải chương trình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp những quy định về dạy thêm - học thêm (DTHT), mới vào đầu năm học, hoạt động này diễn ra khá rầm rộ.

Qua khảo sát của phóng viên tại một số trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô, có đến trên 80% phụ huynh học sinh (HS) tiểu học cho con đi học thêm với nhiều lý do khác nhau như: Không có thời gian kèm con học ở nhà, không có thời gian đón con sớm; sợ con thua kém bạn bè…

“Chạy đua” để làm gì?

Vào giờ tan học, đến bất cứ trường học nào cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh phụ huynh tất bật đưa đón, hối thúc con ăn uống qua loa rồi tiếp tục đưa đến lớp học thêm. Nhiều phụ huynh mua đồ ăn sẵn đem đến tận trường. Tại trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa), vào giờ tan trường, chị Thúy Thanh đưa cho con gái chiếc bánh mì cùng hộp sữa tươi, cuống cuồng giục con lên xe vừa đi vừa ăn để kịp đến lớp học thêm.
Giờ học của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công.  	Ảnh: Công Hùng
Giờ học của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh: Công Hùng
“Công việc bận rộn nên không có thời gian, về nhà mình cũng không biết cách giúp con ôn bài thế nào. Nếu không học thêm, sợ cháu không theo kịp chương trình, hơn nữa, năm nay cháu mới bắt đầu đi học, nếu học kém so với các bạn, sợ cháu chán học, do vậy mình phải đầu tư ngay từ đầu để con không mất gốc kiến thức” - chị Thanh chia sẻ. Còn anh Thắng, ở quận Hoàn Kiếm, có con học lớp 4 một trường tiểu học trên địa bàn quận cho biết, không muốn cho con đi học thêm bởi con đã học từ sáng đến chiều, nhưng thấy phụ huynh nào cũng cho con đi học thêm nên gia đình cũng đành vận động con đi học cho bằng bạn bằng bè.

Đáng chú ý, một phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) bức xúc cho biết, ngoài giờ học chính 2 buổi/ngày ở trường, bố mẹ đều đặn cho con học 3 buổi/tuần ở nhà cô, thế nhưng hết năm học mà con… chưa biết hết mặt chữ. “Vợ chồng tôi không có thời gian kèm cặp cháu nên gia đình cho con đến học tại nhà cô chủ nhiệm. Có lẽ vì thành tích, vì lo ngại ảnh hưởng đến thi đua của lớp nên cô vẫn cho con được lên lớp dù con chưa biết đọc. Ngay đầu năm, gia đình đến trường xin cho con được học lại lớp 1, nhưng giáo viên (GV) nói danh sách đã chuyển hết lên quận, không thể chuyển con xuống học lại lớp dưới được. Bó tay vì “căn bệnh” thành tích” - vị phụ huynh này bày tỏ.

Học 2 buổi/ngày không nên học thêm

Về cơ bản HS đã được học 2 buổi/ngày, vậy có cần thiết học thêm? Theo cô Trần Thị Tâm - GV trường THCS Tân Hưng (huyện Sóc Sơn), việc học 2 buổi/ngày đã đáp ứng tương đối tốt yêu cầu kiến thức cơ bản của HS. “Hiện tại, GV chỉ yêu cầu HS về nhà xem trước bài trong sách giáo khoa, tìm hiểu tài liệu, đưa ra câu hỏi… Cách chuẩn bị này hứng thú hơn là học vẹt bài cũ, đồng thời tạo được sự chủ động khi đến lớp học ngày hôm sau. Nếu kết hợp với sự khuyến khích, kiểm tra, nhắc nhở của phụ huynh ở nhà, các con hoàn toàn có thể hoàn thành tốt kiến thức theo yêu cầu thay vì phải đi học thêm” - cô Tâm nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ về vấn đề DTHT, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định, hiện, GV đang rất vất vả với tình trạng học thụ động của HS. Các em rất lười suy nghĩ, chỉ chờ thầy cô giảng giải, làm mẫu hộ. Điều này xuất phát từ nguyên nhân học thêm, gia sư… “Đã đi học 2 buổi/ngày ở trường thì không cần thiết cho con học thêm vào các buổi tối. Do các con phải học từ sáng đến chiều nên nhà trường và phụ huynh cần đồng hành, hỗ trợ nhau để tìm ra cách học tốt nhất cho con khi ở trường. Cần có sự cam kết từ cả hai phía để HS tiếp thu kiến thức tốt nhất ngay khi ở trường chứ không phải chờ vào học thêm bên ngoài” - ông Lâm phân tích.

Việc DTHT để thúc đẩy một HS học lực yếu cần thầy cô phụ đạo để vươn lên, HS muốn nhờ thầy cô hệ thống lại kiến thức trước mỗi lần thi, hay những HS giỏi muốn nâng cao kiến thức là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, DTHT ngày nay đã biến tướng muôn hình vạn trạng khi HS đang “bị buộc” phải học và không ít GV tìm mọi cách để dạy thêm. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao đã cấm, đã chấn chỉnh nhưng hoạt động DTHT dường như vẫn bị thả nổi? Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết tận gốc DTHT, các quy định không nên chỉ nhắm vào người thầy. Mà trước hết phải giảm tải sách giáo khoa để HS chỉ cần học trên lớp, không phải tranh thủ học thêm. Bên cạnh đó, phải thay đổi cách đánh giá, nếu vẫn còn thi cử như hiện nay thì DTHT không thể dứt. Đặc biệt, cần quan tâm đời sống nhà giáo, bởi GV còn khó khăn thì sẽ còn tồn tại việc DTHT.