Khó khăn bủa vây doanh nghiệp nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Càng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, DN nông nghiệp càng bộc lộ nhiều yếu thế và khó khăn về vốn đầu tư, đất đai, thông tin thị trường, tiếp cận chính sách của Nhà nước…

Đó là những tâm tư được nhiều DN, HTX phản ánh tại Hội nghị gặp gỡ DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội do Sở NN&PTNT tổ chức ngày 2/12.

Sức cạnh tranh kém

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 181.300 DN, trong đó có khoảng 1.150 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ chiếm 0,6%. Phần lớn các DN tập trung vào nhóm cung ứng vật tư đầu vào và sản xuất, kinh doanh (chiếm khoảng hơn 80%) và trên 10% số DN tham gia phân phối các loại nông sản thực phẩm. Kết quả khảo sát của Sở NN&PTNT cho thấy, đa số các DN nông nghiệp là DN vừa và nhỏ, có tổng vốn kinh doanh thấp (hơn 80% DN có vốn kinh doanh dưới 10 tỷ đồng). Do quy mô vốn ít nên nhiều DN gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng còn hạn chế vì thủ tục rườm rà, thiếu linh hoạt.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Big Green Việt Nam.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Big Green Việt Nam.
Ông Lê Tuấn Minh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội chia sẻ, để hỗ trợ DN, HTX mua máy móc cơ giới hóa trong nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, sau 2 năm triển khai, việc tiếp cận chính sách vẫn còn rất nhiều hạn chế, bản thân các DN cũng loay hoay trong thực hiện. Bên cạnh đó, chính sách về thuế theo Luật số 71/2014/QH13 (sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế) cũng đang gây bất lợi cho DN sản xuất máy kéo, máy nông nghiệp vì các mặt hàng này bị chuyển sang đối tượng không chịu thuế, không được khấu trừ VAT mua nguyên vật liệu.

Lâu nay, nông nghiệp vẫn được coi là lĩnh vực nhiều rủi ro, nhất là dưới tác động của thời tiết và diễn biến phức tạp của giá cả thị trường nên khó thu hút vốn đầu tư so với các lĩnh vực khác. Ngoài ra, tính liên kết và khả năng hội nhập của các DN nông nghiệp còn hạn chế, mối quan hệ liên kết giữa các DN và người sản xuất lỏng lẻo. Đặc biệt, các DN còn hạn chế trong việc nắm bắt thông tin chủ trương, chính sách về quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thông tin về thị trường cũng như thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. “Sau khi cây khoai lang của địa phương được cấp nhãn hiệu tập thể, giá bán cao, người dân đổ xô trồng khoai nên thời điểm đầu năm nay, nhiều hộ phải đổ cho bò ăn” – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thái, huyện Ba Vì Phùng Quốc Lượng chia sẻ.

Củng cố niềm tin
Tại hội nghị, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tặng Giấy khen cho 18 tập thể gồm các DN, HTX, Hội sản xuất vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chuyên đề thi đua tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thực phẩm năm 2015.

Với vùng nông thôn ngoại thành rộng lớn, nên sản xuất nông nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Thủ đô. Hơn nữa, sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng cơ bản khoảng 50 – 60% nhu cầu nông sản thực phẩm cho toàn TP, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp một cách bền vững, hiệu quả và ổn định là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. Tại buổi đối thoại, đại diện nhiều DN, HTX trên địa bàn đề nghị TP có chính sách đặc thù hỗ trợ để thúc đẩy các DN nông nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Big Green Việt Nam, TP cần hỗ trợ đẩy mạnh chương trình nhận diện sản phẩm an toàn, kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản bởi nếu tự  DN bỏ tiền ra phân tích mẫu thì không đủ tiềm lực về tài chính. Cùng với đó, Sở NN&PTNT cần tiếp tục hỗ trợ các DN trong việc kết nối, giao thương tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Khó khăn của các DN nông nghiệp Hà Nội đang gặp phải cũng là khó khăn chung của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Ông Nguyễn Bá Bằng – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đề xuất, TP cần có chính sách ưu đãi về thuê đất đai sát với thực tế để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là có quỹ đất sạch cho DN thực hiện các dự án liên kết trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để DN dễ dàng tiếp cận được các thông tin về thị trường và chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, TP cần có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất hợp lý để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần