KTĐT - Phần lớn những khoản thua lỗ gần đây của Citigroup là xuất phát từ những khoản nợ xấu và những vụ đầu tư được thực hiện trước khi ông Pandit nhậm chức CEO.
Giữa lúc ngành tài chính Mỹ đang trên đà khởi sắc trở lại từ khủng hoảng, sự phục hồi dường như vẫn “né tránh” CitigroupGiữa lúc ngành tài chính Mỹ đang trên đà khởi sắc trở lại từ khủng hoảng, sự phục hồi dường như vẫn “né tránh” Citigroup.
Ngày 19/1, thị trường chứng khoán Mỹ đón nhận một thông tin không mấy khả quan về Citigroup khi ngân hàng này thông báo con số thua lỗ 7,6 tỷ USD trong quý 4/2009, cao hơn dự báo trước đó của một số nhà quan sát. Mức thua lỗ này xóa sạch những khoản lợi nhuận gần đây của Citigroup, khiến ngân hàng này thua lỗ 1,6 tỷ USD trong cả năm 2009.
Trong khi đó, tuần trước, một đối thủ của Citigroup là JPMorgan Chase đã báo lãi 3,3 tỷ USD trong quý 4/2009, và lãi 11,7 tỷ USD trong cả năm ngoái.
Giám đốc điều hành (CEO) của Citigroup, ông Vikram Pandit, khẳng định, ngân hàng của ông đã đạt được “tiến bộ lớn trong năm 2009”. Nếu so sánh với những con số thua lỗ trước kia của Citigroup thì nhận định này của ông Pandit là hợp lý. Trong quý 4/2008, Citigroup thua lỗ tới 17,3 tỷ USD, còn trong cả năm 2008, ngân hàng này lỗ 27,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Citigroup chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính nặng nề hơn hầu hết các ngân hàng lớn của Mỹ, và những khó khăn mà ngân hàng này đang phải đối mặt chưa thể sớm được giải quyết. Thông tin từ nội bộ của Citigroup cho hay, nhiều người đang làm việc ở đây đang đe dọa bỏ việc để tìm những công việc mới tốt hơn. Thậm chí, có những ý kiến cho rằng, nếu không làm ăn có lãi trong năm 2010, CEO Pandit sẽ mất chức.
Chèo lái Citigroup đồng nghĩa với việc ông Pandit ngồi trên “ghế nóng”. Từ khi nhậm chức CEO Citigroup vào năm 2007 tới nay, ông đã cố gắng nhiều để giải quyết “mớ bòng bong” mà người tiền nhiệm Charles Prince để lại, nhưng vẫn phải đương đầu với vô khối lời chỉ trích.
Pandit đã thắt chặt hoạt động quản lý rủi ro vốn lỏng lẻo dưới thời Prince, cắt giảm 110.000 nhân viên, tương đương với 1/3 số nhân viên của tập đoàn, chặn thua lỗ ở những khoản đầu tư vào các tài sản độc hại... Với sự trợ lực của những khoản cứu trợ nhiều tỷ USD của Chính phủ Mỹ, ông đã cải thiện tình hình tài chính của Citigroup, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng của tập đoàn bằng cách bán lại khối lượng tài sản trị giá 351 tỷ USD...
Cổ phiếu của Citigroup hiện đã phục hồi từ mức đáy chưa đầy 1 USD/cổ phiếu vào tháng 3/2009, lên mức hơn 3,5 USD/cổ phiếu hiện nay, nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức kỷ lục 57 USD/cổ phiếu vào tháng 12/2006. Mặc dù các ngân hàng lớn khác của Mỹ tới thời điểm này đã hoàn tất việc trả lại tiền cứu trợ của Chính phủ, Citigroup vẫn chưa trả xong khoản nợ này. Hiện tại, 27% cổ phần của Citigroup vẫn thuộc về Chính phủ Mỹ.
Phần lớn những khoản thua lỗ gần đây của Citigroup là xuất phát từ những khoản nợ xấu và những vụ đầu tư được thực hiện trước khi ông Pandit nhậm chức CEO. Nhiệm vụ hàng đầu của ông lúc này là đưa lợi nhuận trở lại với Citigroup, chứ không phải là giải quyết những sai lầm trước đây của tập đoàn. Điều này lại phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế toàn cầu và những điều chỉnh mới trong cơ chế giám sát ngành tài chính của Chính phủ Mỹ, mà đây lại là những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của ông.
Trong trường hợp có sự cố hoặc khó khăn xảy ra, chẳng hạn kinh tế Mỹ trì trệ, một chính phủ nước ngoài nào đó vỡ nợ... thì mục tiêu làm ăn có lãi của ông Pandit rất dễ thất bại.
Mặc dù thua lỗ của Citigroup ở thị trường nước ngoài không phải là lớn, mảng cho vay địa ốc và thẻ tín dụng của ngân hàng này tại thị trường Bắc Mỹ vẫn thua lỗ hàng tỷ USD do sự èo uột của thị trường lao động và nhà đất ở đây. Các quan chức của Citigroup cho rằng, việc họ có khắc phục được sự thua lỗ này hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Mỹ.
Giành lại niềm tin của thị trường chứng khoán Mỹ cũng là một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong thời gian tới của CEO Pandit. Ngày 19/1, Citigroup đã thừa nhận có những sai sót trong việc tính toán số liệu về tình hình tài chính, và việc điều chỉnh những sai sót này sẽ kiến thu nhập năm 2009 của Citigroup giảm 840 triệu USD.
Lúc này, Citigroup đã “khỏe” hơn so với ở thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng, nhưng người ta vẫn xem ngân hàng này là một biểu tượng của thời kỳ Chính phủ phải ra tay giải cứu ngành tài chính ở Mỹ. Ủy ban Điều tra khủng hoảng tài chính, cơ quan do Quốc hội Mỹ thành lập để điều tra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, dự định sẽ tổ chức một phiên điều trần riêng biệt đối với Citigroup để tìm hiểu cuộc khủng hoảng tại tập đoàn này.
Trong khi đó, nhân viên của Citigroup chỉ quan tâm tới hiện tại, đặc biệt là khoản thưởng cuối năm của họ. Sau khi có thông tin cho rằng, tổng tiền thưởng cuối năm 2009 của Citigroup sẽ ở mức khoảng 5,3 tỷ USD, gần bằng mức của năm 2008, dù kết quả kinh doanh được cải thiện, nhiều người làm ở bộ phận ngân hàng đầu tư của Citigroup đã tỏ ra bất mãn.
Mặc dù nhiều lãnh đạo và nhân viên của Citigroup vẫn sẽ được thưởng hàng triệu USD, nhưng hiện tập đoàn này vẫn áp dụng mức trần thưởng tiền mặt ở 100.000 USD. Lãnh đạo Citigroup lo ngại, vài tuần nữa, khi tiền thưởng được phát, nhiều nhân vật quan trọng của ngân hàng này sẽ bỏ việc vì không vừa lòng.
Ngoài ra, một số ý kiến lo ngại, CEO Pandit không có đủ khả năng tạo sự đồng thuận tốt nhất để lãnh đạo một ngân hàng lớn như Citigroup. Người ta cho rằng, ông dựa quá nhiều vào một nhóm nhỏ những cấp dưới thân cận, mà những người này đôi khi đưa ra cho ông sự tư vấn sai lầm.