Kinhtedothi - Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng NTM là khá lớn và trong những năm qua, sự tham gia của người dân cũng như DN Thủ đô cho chương trình này đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế chưa hồi phục như hiện nay, việc huy động nguồn lực của các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là khi giải pháp được trông chờ nhất là đấu giá đất xen kẹt vẫn còn nhiều bế tắc.
Khó đấu giá đất xen kẹt
Ngay từ khi xây dựng Đề án xây dựng NTM, trong phần vốn đối ứng của địa phương, hầu hết các xã đều lên kế hoạch khơi vốn từ nguồn đấu giá đất xen kẹt, nhất là các xã thuần nông, không có công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay dịch vụ nên nguồn thu còn hạn chế. Tại huyện Đan Phượng, để tăng nguồn lực xây dựng NTM, huyện đã đẩy mạnh công tác đấu giá đất, quy hoạch lựa chọn những địa điểm thuận lợi, làm tốt công tác GPMB, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phân lô và tổ chức đấu giá công khai, dân chủ. Trong hơn 3 năm qua, toàn huyện đã đấu giá được 42.739m2, thu ngân sách 317,5 tỷ đồng. Hay tại huyện Ứng Hòa, công tác đấu giá, xử lý đất xen kẹt đã được thực hiện ở một số xã như Đồng Tân, Minh Đức, Hòa Lâm, Đội Bình. Kinh phí thu được từ đấu giá đất trong năm 2013 của huyện đạt trên 45 tỷ đồng, bổ sung vào ngân sách xã để phục vụ xây dựng NTM…
Tuy nhiên, đến nay, số địa phương đấu giá được đất xen kẹt để lấy nguồn xây dựng NTM chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Cao Dương, huyện Thanh Oai cho biết, xã đã lập tờ trình xin thực hiện đấu giá gần 5.000m2 đất để lấy kinh phí đầu tư xây dựng NTM. Tuy nhiên, do giá đất ở địa phương rất thấp, quy trình thực hiện lại lâu nên gây khó cho địa phương.
"Dự kiến nếu đấu giá được 5.000m2 trừ kinh phí GPMB và xây dựng hạ tầng trước khi đấu giá, ước chỉ thu được hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó thực hiện quy trình được đấu giá mất tới gần 2 năm là quá lâu" - ông Thanh bày tỏ.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, thị trường bất động sản đóng băng và chiều hướng phục hồi chậm, trong khi các thủ tục để thu hồi đất tổ chức đấu giá phục vụ xây dựng NTM còn nhiều bất cập. Đơn cử, việc xác định chỉ giới đường đỏ cho khu đấu giá chưa hợp lý, như tại khu đấu giá Chằm Sen, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, chỉ giới đường liên xóm phải bớt thêm 13m nên người dân không đồng ý vì gây lãng phí đất. Bởi vậy, dù địa phương đã triển khai họp bàn thống nhất nhiều lần nhưng vẫn chưa xong. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến việc khai thác nguồn kinh phí từ đấu giá đất để đầu tư xây dựng NTM, dẫn tới tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chậm hoặc chưa triển khai được.
Cũng gặp khó khăn tương tự, triển khai xây dựng NTM, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì đã quy hoạch 3 khu đất đấu giá nằm ngoài chỉ giới thoát lũ theo văn bản của Chính phủ, UBND TP và đã được cơ quan quản lý đê điều cắm mốc giới. Tuy nhiên, tới nay, xã vẫn chưa hoàn thiện được thủ tục để đấu giá đất. Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu than thở: "Khi chúng tôi hỏi thì Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện cho biết, Sở QH - KT chưa chấp thuận vị trí và phải chờ ý kiến của Bộ NN&PTNT. Nhưng theo nhận định của chúng tôi, khu đất này nằm ngoài hành lang thoát lũ và nằm trong Đề án xây dựng NTM của xã đã được phê duyệt". Đây cũng là tình trạng chung của nhiều xã trên địa bàn huyện Ba Vì. Theo chỉ tiêu TP giao, nguồn thu từ đấu giá đất xen kẹt của huyện Ba Vì là 55 tỷ đồng nhưng đến nay, việc thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Xã hội hóa còn hạn chế
Xây dựng NTM là việc làm vừa mới, vừa khó và chưa có tiền lệ. Trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nguồn vốn đầu tư lớn, đòi hỏi tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trên thực tế, một số địa phương có cách làm rất sáng tạo để huy động nguồn lực xã hội hóa. Đơn cử, Huyện ủy Đan Phượng đã có Kết luận 58 và Kết luận 62 năm 2012 về tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng chỉnh trang đường làng, ngõ xóm có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là bước đột phá quan trọng để huyện có nguồn lực xây dựng NTM. Kết quả, các DN, HTX, tổ chức kinh tế trên địa bàn huyện đã đầu tư gần 37,43 tỷ đồng vào phát triển sản xuất. Mặc dù vậy, tại nhiều địa phương, việc huy động nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế, kinh phí xây dựng NTM chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Lực - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây cho biết, tổng kinh phí Đề án xây dựng NTM của xã sau điều chỉnh là 359 tỷ đồng với 7 nguồn vốn các loại. Trong đó có tới 4 nguồn vốn gặp khó khăn là vốn lồng ghép chiếm khoảng 34% tổng đề án (tương ứng trên 125 tỷ đồng), đến nay vẫn chưa có lời giải. Tiếp đó, nguồn vốn ngân sách xã chiếm khoảng trên 14% (tương ứng khoảng trên 50 tỷ đồng) hiện xã cũng đang hoàn toàn bế tắc. Còn lại nguồn vốn xã hội hóa và nguồn vốn DN chiếm khoảng 10% (tương ứng khoảng 38 tỷ đồng) cũng chưa có giải pháp huy động. Theo thống kê, tổng kinh phí đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, hỗ trợ nông dân sản xuất trong hơn 3 năm qua trên địa bàn thị xã Sơn Tây là 740 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư và TP là 345 tỷ đồng (chiếm 46,6%), ngân sách thị xã là 204 tỷ đồng (27,5%), ngân sách xã là 52 tỷ đồng. Còn lại, các tổ chức, cá nhân đóng góp bằng tiền, hiện vật và ngày công tham gia xây dựng NTM còn ít ỏi, chỉ đạt 23,4 tỷ đồng.
Còn tại huyện Thường Tín, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng cũng gặp nhiều khó khăn, chưa bố trí kịp theo tiến độ các dự án, nhất là các dự án cấp nước sạch nông thôn, nhà máy xử lý nước thải tại làng nghề, cụm công nghiệp... Trong khi đó, các DN cũng chưa thực sự quan tâm tham gia để cùng chung tay hoàn thiện tiêu chí về môi trường và huy động đóng góp từ người dân cũng còn hạn chế. Bà Chu Thị Minh Huyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, tính đến hết quý III/2014, nguồn vốn huy động xây dựng NTM toàn huyện là 609,1 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TP, huyện và xã chiếm tới hơn 380 tỷ đồng (hơn 60%), vốn các chương trình mục tiêu quốc gia chiếm 130,1 tỷ đồng, còn lại là do DN, người dân đóng góp và xã hội hóa chỉ đạt hơn 90 tỷ đồng.
Trong khi việc huy động nguồn lực khó khăn, một số cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực cũng chưa thực sự thông thoáng. Đơn cử tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, mặc dù phong trào hiến đất làm đường trên địa bàn huyện thực hiện rất sôi nổi nhưng trong thực tế có những vị trí rất khó vận động người dân hiến đất. Ví dụ, để mở rộng thông đường cho thẳng, đẹp, có đoạn hộ dân phải hiến tới trên 100m2 đất ở, gần hết diện tích đất đang ở. Chính quyền địa phương có sáng kiến đổi đất cho các trường hợp đặc biệt này bằng quỹ đất công của xã có sự bàn thảo với dân trong thôn, xóm nhưng khi báo cáo TP lại vướng cơ chế chính sách và không có hướng dẫn. Do đó, một số tuyến giao thông nông thôn vẫn không thể thông.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, lũy kế đến hết quý III/2014, tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM toàn TP (không kể 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm) là hơn 19.200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước là hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm 75,5% và vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước (do người dân, DN đóng góp) là hơn 4.700 tỷ đồng. Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nguồn lực chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến các tiêu chí khác. Việc huy động nguồn lực đóng góp của người dân và DN ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Bê tông hóa giao thông nội đồng xã Đại Áng, huyện Thanh Trì. Ảnh: Quang Thiện
|
Để đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất xen kẹt, cần cải cách sâu hơn nữa thủ tục, trình tự đấu giá, phân cấp cho huyện quyết định xử lý đấu giá diện tích dưới 5.000m2. Đặc biệt, phân cấp cho huyện xác định giá sàn đất đấu giá. Ông Nguyễn Hồng Lâm Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai |