Nhiều ý kiến dự báo, tốc độ bán ra trái phiếu Chính phủ (TPCP) từ nay tới cuối năm còn ảm đạm do tín dụng đã tăng tốc mạnh hơn và hạn mức tỷ lệ trái phiếu trong tổng danh mục đầu tư của các thành viên tham gia thị trường đã gần được lấp đầy.
Nhu cầu của ngân hàng giảm
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính diễn ra ngày 7/4, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: “Huy động bằng 22,4% kế hoạch năm là tỷ lệ hơi thấp so với nhiệm vụ”. Ngoài ra, phát hành TPCP với kỳ hạn 5 năm trở lên đã bị "ế" hơn trước rất nhiều, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Nguyên nhân xuất phát từ yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra, bắt đầu từ năm 2015 chỉ phát hành các loại trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, không phát hành các khoản vay kỳ hạn ngắn để bù đắp bội chi, giảm mức vay đảo nợ. Cùng với đó, cuối năm 2014, Thông tư 36/TT - NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt việc đầu tư trái phiếu của các ngân hàng, khi đưa ra mức khống chế tỷ lệ tham gia mua trái phiếu chỉ bằng 15 - 35% vốn ngắn hạn. Thực tế nhiều năm qua, kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn cho ngân sách của Bộ Tài chính dường như đã lệ thuộc quá nhiều vào các ngân hàng thương mại (NHTM). Trung bình, có đến 80% lượng vốn trái phiếu phát hành ra đều do các ngân hàng đứng ra mua và 2/3 trong số đó đều là kỳ hạn dưới 5 năm, lãi suất cao.
“Mục tiêu là chỉ phát hành dài hạn từ 5 năm trở lên nhưng phát hành trái phiếu có thành công hay không còn phụ thuộc vào người mua, cụ thể là các NHTM” - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định. Năm 2014, huy động TPCP khả quan vì tăng trưởng tín dụng không nhiều nên lượng tiền trong ngân hàng còn lớn. Trong thời gian tới, nếu tín dụng tăng trưởng cao trở lại thì nhu cầu mua trái phiếu của NHTM cũng sẽ giảm. Do đó, việc phát hành TPCP khối lượng lớn trong năm 2015 sẽ là thách thức lớn. Tín dụng năm nay được định hướng tăng 13 - 15% so với mức 12 – 14% năm 2014.
Điều chỉnh kỳ hạn
Nhu cầu huy động vốn của năm 2015 là rất lớn. Theo kế hoạch, mức phát hành TPCP cho đầu tư năm 2015 là 85.000 tỷ đồng để thực hiện chi cho các dự án, công trình cấp bách đã được Quốc hội duyệt trong danh mục TPCP, cộng với huy động cho bù đắp bội chi (226.000 tỷ đồng) và đảo nợ (hơn 130.000 tỷ đồng), thì nhiệm vụ phải huy động trong năm 2015 là rất nặng nề (tăng khoảng 40.000 tỷ đồng so với năm 2014). Trên thực tế, nỗi lo thiếu tiền chi trả nợ, chi đầu tư... của Bộ Tài chính không phải là không có cơ sở. Nếu như năm 2014, tổng số nợ đến hạn của Việt Nam chiếm hơn 26% tổng thu ngân sách thì dự kiến năm 2015, nếu tính trả nợ hết các khoản nợ đến hạn phải trả thì tổng số tiền trả nợ chiếm gần 30% tổng thu ngân sách.
Năm 2015, tổng số nợ công mà Chính phủ phải trả là gần 130.000 tỷ đồng. Con số này bao gồm cả nợ trong nước, là những khoản nợ TPCP phải trả, nợ các quỹ tài chính mà Bộ Tài chính đã đứng ra vay. Với các khoản chi trả nợ lớn như vậy, phần thu ngân sách năm 2015 cũng đã được dự báo đầy khó khăn vì giá dầu giảm 40%, ước giảm mất 12.000 - 13.000 tỷ đồng sau khi cân đối thiệt mất theo giá dầu. Việc chỉ phát hành ra thị trường các loại trái phiếu có kỳ hạn dài (từ 5 năm trở lên) bắt đầu bộc lộ khó khăn đối với hoạt động huy động vốn cho đầu tư phát triển. Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, phát hành TPCP của Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi có cảm giác, quyết định chỉ phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm chịu áp lực lớn về việc dòng tiền đáo hạn, phải trả nợ đối với các khoản đã phát hành trước đây của Chính phủ. Rõ ràng ở đây thiếu sự phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ”. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn là khó lường và chỉ số này ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất được thiết kế khi huy động trái phiếu. “Chúng ta không thể huy động trái phiếu dài hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm hay 15 năm trong môi trường CPI chưa ổn định” - ông Thành nói.
Theo các chuyên gia, nếu kết quả huy động vốn trái phiếu trong tháng 4 cũng như quý II tiếp tục thấp, đe dọa mục tiêu hoàn thành kế hoạch huy động vốn đề ra cho năm nay, thì việc điều chỉnh kỳ hạn phát hành trái phiếu theo hướng bổ sung các kỳ hạn ngắn là cần thiết. Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nên là mục tiêu dài hạn và cần có bước đệm, theo hướng giảm thiểu kỳ hạn dưới 5 năm.
Công trình nhà ở phục vụ học sinh, sinh viên tại Thái Nguyên được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Ảnh: Tuấn Anh
|
Kịch bản xấu vẫn có thể xảy ra là Bộ Tài chính không huy động được đủ số vốn TPCP dự kiến trong năm tới. Nếu thu ngân sách tốt thì áp lực huy động trái phiếu sẽ giảm. Nếu điều này không xảy ra thì Bộ Tài chính phải tự giải bài toán bằng cách xoay qua các nguồn thu khác. Đó là tận thu hơn các nguồn thu từ DN, phí và thuế, tìm cách cải thiện nguồn vay vốn nước ngoài bằng ODA, vay các quỹ Nhà nước...
Chuyên gia kinh tế
Lê Đăng Doanh
|
Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ngày 13/4, phiên đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành có tổng khối lượng gọi thầu 4.000 tỷ đồng với 2 loại kỳ hạn: 5 năm (3.000 tỷ đồng) và 10 năm (1.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết quả chỉ huy động được 30 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu 5,4%/năm, thấp hơn 0,08%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 8/4). |