Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó lấp khoảng trống kỹ năng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu người làm du lịch đủ kỹ năng lẫn khả năng ngoại ngữ là “cái khó” của du lịch Việt lâu nay mà chưa có cách tháo gỡ.

Tại cuộc họp về chương trình “Phát triển nhân lực cao cấp ngành du lịch khách sạn Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020” diễn ra sáng 9/6, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất. Tuy nhiên, từ giải pháp đến thực tế là cả một chặng đường dài.

Liên kết đào tạo

Theo dự báo, đến năm 2020, tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam vẫn duy trì tốc độ khả quan như thời gian qua và chuyển hướng từ số lượng sang chất lượng. Điều này đồng nghĩa du lịch Việt sẽ phát triển mạnh sản phẩm dịch vụ cao cấp để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách chi tiêu nhiều và nghỉ dài ngày. Với dự báo này, theo tính toán, Việt Nam cần tới hơn 2,1 triệu nhân lực du lịch vào năm 2015 và gần 3 triệu nhân lực vào năm 2020. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, những con số này quả là một thách thức lớn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải có sự liên kết để đào tạo nhân lực tại chỗ kết hợp đào tạo ở nước ngoài về.

 
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám.  Ảnh:  Quỳnh Anh
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Quỳnh Anh
Để biến ý tưởng thành hiện thực, mạng Du lịch khách sạn Việt Nam (VHN) - một dự án phi lợi nhuận hoạt động vì sự bền vững của ngành du lịch đã ra đời. Ông Chử Hồng Minh - người sáng lập VHN cho hay, dự án có 3 nội dung: Khai thác hiệu quả hoạt động của mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước để chia sẻ, trao đổi và nghiên cứu về ngành; Kết nối cơ hội thực tập nghề nghiệp bằng các cam kết, thỏa thuận với doanh nghiệp, tập đoàn; Phát triển nhân lực cao cấp và kết nối kinh doanh, cụ thể là tổ chức các hoạt động nhằm phát triển kỹ năng quản lý cũng như cơ hội hợp tác kinh doanh. Cùng với đó, chương trình sẽ đào tạo miễn phí cho 1.000 nhân lực trong ngành du lịch khách sạn về marketing trên internet. Theo đánh giá của TS Hà Văn Siêu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch: “Sự ra đời và hoạt động của dự án là giải pháp lấp khoảng trống về kỹ năng, đồng thời cập nhật kỹ năng, kiến thức hiện đại nhất thế giới để cung cấp nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam”.

Sáng đến trường, chiều vào doanh nghiệp

Để có nguồn nhân lực chất lượng làm trong khách sạn 4 - 5 sao và các khu resort, một trong những giải pháp được các chuyên gia đề xuất là thay đổi chương trình đào tạo cũng như thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Bà Phùng Thanh Yến - Trưởng phòng Nhân sự, Khách sạn Movenpick bày tỏ: “Chúng tôi rất cần người hiểu và yêu nghề, khả năng nói tiếng Anh tốt. Đề nghị các trường ĐH, CĐ, dạy nghề, khi gửi sinh viên đến thực tập ít nhất có thời gian 3 tháng để các em được cọ sát thực tế, hiểu mô hình hoạt động của doanh nghiệp”. Hơn thế, các trường cũng nên linh hoạt lịch học để “hòa nhịp” được với yêu cầu của doanh nghiệp. Nhìn vào thực tế đào tạo của một số nước như Thụy Sỹ, Singapore, Pháp… sẽ thấy, thời gian sinh viên đi thực tập và tiếp cận thực tế nhiều hơn thời gian học lý thuyết. Đây chính là cơ hội để người học tích lũy kinh nghiệm, cũng như khả năng giao tiếp tiếng Anh.  

Ủng hộ mô hình đào tạo sáng học ở trường - chiều vào doanh nghiệp, song ông Đồng Xuân Đảm - Trưởng khoa Du lịch Khách sạn, ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay: “Chúng tôi đang trao đổi với 4 khách sạn lớn để hợp tác, nhưng cái khó là các em học nửa ngày, làm ca ở khách sạn mất 8 tiếng thì không còn sức để học. Hiện, chúng tôi đang lựa chọn khách sạn cần sinh viên để đàm phán ký hợp đồng cho các em làm việc buổi sáng, học 4 tiếng buổi chiều, sau đó có bạn khác thay thế”.

Để nối liền mạch đào tạo này, có lẽ đúng như ông Kai Marcus Schroter – Tổng Giám đốc Công ty tư vấn HTM Consultancy nói, cần có sự đối thoại giữa Bộ GD&ĐT và Bộ VHTT&DL để có nội dung, chương trình, thời gian thực tập hợp lý. Những người làm chính sách cũng cần có kiến thức, kỹ năng thực tế về du lịch.