KTĐT - Do ảnh hưởng của giá USD, giá vàng cũng như một số mặt hàng thiết yếu trong đó có gas khiến thị trường trong nước có nhiều biến động, một số mặt hàng phục vụ đời sống hằng ngày như rau xanh, thịt, cá... hiện đang tăng giá từng ngày.
Đồng loạt tăng giá
Theo nhiều Cty kinh doanh gas, từ ngày 1.11, giá gas bán lẻ trên thị trường trong nước sẽ tăng 25.000đ/bình (loại 12kg) do giá gas thế giới tháng 11.2010 tăng mạnh lên 787,5USD/tấn, do đó, giá gas tới tay người tiêu dùng sẽ tăng lên tới 297.000đ/bình (loại 12kg). Không chỉ tăng giá gas, rất nhiều mặt hàng khác cũng đang rục rịch tăng giá như giá đường, mặc dù đang trong vụ mía nhưng hiện nay giá đường bán trên thị trường hiện đang tăng từ 2.000 - 3.000đ/kg so với tháng 9, hiện đang dao động ở mức bán buôn là 18.000 - 19.000đ/kg. Các mặt hàng trong nhóm vật liệu xây dựng cũng đua nhau tăng giá mặc dù trong thời gian qua với giá thép trong tháng 11 sẽ được điều chỉnh, tăng từ 150.000 - 200.000đ/tấn. Lý giải về nguyên nhân tăng giá, các nhà sản xuất cho biết: Trong hai tháng 9 và 10 thị trường tiêu thụ chậm, giảm 30% so với những tháng trước đó, nhưng do giá USD tăng nên các Cty phải tăng giá để tránh lỗ. Giá ximăng đã tăng 3.000đ/bao, lên 70.000 - 72.000đ/bao...
Bên cạnh đó, các mặt hàng phụ thuộc nhiều vào giá USD như hàng điện tử, đồ gia dụng nhập khẩu, các loại xe máy nhập khẩu, máy tính xách tay, máy ảnh... hiện cũng đang rục rịch tăng giá. Anh Nguyễn Tuấn Anh - chủ cửa hàng xe máy Anh Tuấn - cho biết: Do giá USD và vàng hiện đang tăng giá khiến nhiều mặt hàng nhập khẩu có giá trị tăng giá mạnh, đặc biệt là mặt hàng xe máy. Thời điểm hiện tại, giá mỗi chiếc xe có giá trị lớn như SH, Spacy, LX nhập khẩu... đều tăng từ 100 - 300USD/chiếc. Ngoài ra, do giá USD tăng mạnh khiến nhiều cửa hàng ngần ngại trong việc nhập xe về để bán bởi thời điểm hiện nay, giá xe nhập thì cao trong khi người mua thì thưa thớt, nếu nhập về nhiều thì khó có thể tiêu thụ được.
Sinh viên phải "thắt lưng buộc bụng"
Không chỉ các mặt hàng cao cấp, có giá trị nhập khẩu mà ngay cả đối với các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày cũng đang tăng giá.
Hiện nay, qua tham khảo giá rau xanh tại một số chợ, giá các loại rau xanh đều đang tăng giá nhẹ, như giá rau muống hiện đang ở mức 4.000 - 5.000đ/mớ, bắp cải từ 12.000 - 13.000đ/kg (tăng 1.000 - 1.500đ/kg), cà chua có giá từ 13.000 - 15.000đ/kg (tăng 2.000đ/kg), dưa chuột 12.000 - 14.000đ/kg...
Theo chị Trần Thị Thơm - bán rau tại chợ Hôm: Hiện giá rau đang bị ảnh hưởng bởi một số loại rau xanh có tính chất thời vụ đang bước vào mùa lạnh, ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Tuy nhiên, giá rau tại các chợ trung tâm như
chợ Hôm, chợ Hàng Da, chợ Châu Long, chợ tạm 19.12... có phần đắt hơn do phải tính thêm tiền công xăng xe, vận chuyển vào nội thành, còn các chợ ven như chợ Xanh (Cầu Giấy), chợ Gia Lâm... thì mức giá chỉ tăng nhẹ. Không chỉ rau xanh tăng giá, các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, thủy - hải sản... cũng đang tăng giá từ 2.000 - 4.000đ/kg (tùy loại).
Trước việc tăng giá chóng mặt của các mặt hàng thiết yếu, cuộc sống của người tiêu dùng - đặc biệt là những đối tượng có thu nhập thấp như công nhân, sinh viên... bị ảnh hưởng đáng kể. Bạn Nguyễn Thu Trang - sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân - chia sẻ: “Với giá tăng như thế này, sinh viên bọn em ngày càng khổ sở trong việc đi chợ để đảm bảo bữa ăn đã đạm bạc nay lại càng phải “thắt lưng buộc bụng” hơn nữa, để đến cuối tháng vẫn còn đủ tiền để chi tiêu”.
Không chỉ các mặt hàng tại các chợ, ngay cả các siêu thị cũng đang rục rịch tăng giá một số mặt hàng. Theo một số siêu thị cho biết, hiện một số nhà cung cấp hàng hoá đang đề nghị tăng giá các mặt hàng từ 10% trở xuống và bắt đầu được áp dụng từ đầu tháng 11. Chính vì vậy, hiện nay giá một số mặt hàng rau xanh trong siêu thị đắt hơn ngoài thị trường 500 - 1.500đ/kg (tùy loại), giá thịt chênh từ 5.000 - 8.000đ/kg...
Xử lý nghiêm những vi phạm về giá
Là đơn vị được chỉ định thực hiện biện pháp kiểm soát giá cả, trong tháng 11, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ chú trọng vào việc phát hiện và báo cáo kịp thời những biến động bất thường về giá cũng như cung cầu hàng hóa, trong đó tập trung vào các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo bình ổn thị trường, không để lạm phát tăng cao. Trước đó, trong tháng 10, chi cục đã kiểm tra 668 trường hợp, xử lý 649 vụ vi phạm, thu tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng, trong đó gồm: 96 vụ vi phạm hàng nhập lậu, hàng cấm; 99 vụ vi phạm về giá; 22 vụ hàng giả; 173 vụ vi phạm về các quy định đăng ký kinh doanh; 163 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa...