KTĐT - Với nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, thu nhập của người dân đi lên và quá trình đô thị hóa, triển vọng đối với ngành bán lẻ đồ hiệu của Ấn Độ trong dài hạn là khá sáng.
Giới thượng lưu Ấn Độ chỉ thích mua sắm tại các trung tâm lớn ở Paris, London hay Milan.
Anh Vikram Baidyanath người Ấn Độ thà đi máy bay tới London để tậu một bộ vest hiệu Ermenegildo Zegna mà anh ưa thích, chứ chẳng buồn lái xe trong vòng nửa giờ để tới khu mua sắm cao cấp ở thủ đô New Dehli để mua một bộ cánh cũng thuộc hiệu này.
“Sự cảm nhận và trải nghiệm về việc mua sắm ở nước ngoài khiến tôi thấy thích thú hơn nhiều”, anh Baydyanath nói với phóng viên của hãng tin Bloomberg.
Để mua những món đồ khác hiệu Burberry, Gucci hay Prada, anh cũng tìm đến London. Năm nay 32 tuổi và là Giám đốc điều hành (CEO) của hãng dược phẩm Baidyanath Group, anh Baydyanath cho biết, anh bị hấp dẫn bởi không gian, sự đa dạng của hàng hóa và mức giá thấp hơn của đồ hiệu ở nước ngoài.
Theo hãng nghiên cứu Bernstein Research, năm ngoái, chi tiêu vào các loại hàng hóa xa xỉ ở Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới, chỉ bằng chưa đầy 1/10 so với ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất.
Giới thượng lưu Ấn Độ chỉ thích mua sắm tại các trung tâm lớn ở Paris, London hay Milan, khiến những thương hiệu hàng cao cấp hàng đầu thế giới như Luis Vuitton hay Gucci cảm thấy nhiều thách thức ở thị trường Ấn. Trong khi đó, Ấn Độ lẽ ra phải là một thị trường tiềm năng khi có thêm tới 42.000 triệu phú chỉ riêng trong năm 2009, nhờ sự tăng điểm như vũ bão của thị trường chứng khoán.
Số liệu từ Bernstein cho thấy, số tiền mà người Ấn chi dùng cho hàng hiệu ngay trên đất Ấn trong năm 2009 chỉ đạt mức 600 triệu Euro (khoảng 780 triệu USD), so với mức 6,6 tỷ Euro ở Trung Quốc đại lục, và 3,4 tỷ Euro ở Hàn Quốc - đất nước có 49 triệu dân. Dân số của Ấn Độ hiện vào khoảng 1,2 tỷ người.
“Người tiêu dùng Ấn Độ mua nhiều hàng hiệu, nhưng lại không mua trong nước. Tôi cho rằng, thị trường hàng hiệu khó cất cánh ở Ấn Độ trong vòng ít nhất 1 thập kỷ nữa”, ông Mohan Murjani, một nhà bán lẻ đã phải ngậm ngùi dừng việc kinh doanh hàng hiệu Gucci và Jimmi Choo sau hai năm mở cửa hàng đầu tiên ở Mumbai vào năm 2007, nhận định với Bloomberg.
Vào năm 2005, ông Murjani bắt đầu kinh doanh đồ hiệu ở Ấn Độ, nhưng mức doanh thu bình quân mà các cửa hàng của ông đạt được chỉ vào khoảng chưa đầy 500 USD/foot vuông/năm. Trong khi đó, doanh thu bình quân của hãng bán lẻ đồ hiệu Takashimaya ở Ấn Độ đạt mức 18.000 USD/foot vuông/năm, doanh thu của hãng bán lẻ hàng nữ trang cao cấp Tiffany trên toàn cầu đạt mức bình quân 2.400 USD/foot vuông/năm trong năm 2009.
Theo ông Narayanan Ramaswamy, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn và kiểm toán KPMG ở Ấn Độ, không gian mua sắm là một vấn đề cản trở đối với sự phát triển của đồ hiệu ở Ấn Độ. “Một khách hàng mua đồng hồ hiệu Cartier chắc chắn không muốn đi vào một cửa hiệu có xe bán chuối rong đỗ ngay bên ngoài”, ông Ramaswamy nói.
Không gian phù hợp cho các gian hàng bán các sản phẩm hiệu Louis Vuitton hay Bulgari ở Ấn Độ rất hiếm. Nước này mới chỉ xây trung tâm mua sắm đầu tiên vào năm 1999, là trung tâm Galleria ở Mumbai. Trước đó, các cửa hiệu cao cấp thường nằm ngay trong các khách sạn 5 sao ở New Dehli, Mumbai và Bangalore.
Ngoài ra, đồ hiệu bán ở Ấn Độ thường bị cho là lỗi mốt. Theo dân sành điệu, các món thời trang cao cấp ở nước này chậm hơn so với ở nước ngoài khoảng một mùa.
Tuy nhiên, hãng tư vấn Bernstein cho rằng, với nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, thu nhập của người dân đi lên và quá trình đô thị hóa, triển vọng đối với ngành bán lẻ đồ hiệu của Ấn Độ trong dài hạn là khá sáng.
Kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2011, từ mức 7,4% trong năm trước. Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh đang đặt mục tiêu đưa tăng trưởng GDP lên mức 10% để cải thiện cuộc sống cho người dân.
Theo báo cáo World Wealth Report của ngân hàng Bank of America, năm 2009, số triệu phú ở Ấn Độ đã tăng hơn gấp rưỡi lên mức 126.700 triệu phú.
Hãng tư vấn AT Kearny dự báo vào năm 2007 rằng, thị trường hàng cao cấp của Ấn Độ, bao gồm cả các mặt hàng xe hơi và máy bay phản lực, sẽ đạt mức doanh thu 14 tỷ USD vào năm 2010 và 30 tỷ USD vào năm 2015.