Kinhtedothi - Xác định phân luồng rất quan trọng trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho xã hội, nên tại hội thảo Phân luồng học sinh (HS) sau THCS và THPT diễn ra sáng 20/12, các chuyên gia giáo dục đã bàn thảo giải pháp khắc phục những bất cập hiện tại của công tác này.
Chưa đạt yêu cầu
Theo thống kê từ các địa phương, trong hai năm học 2010 - 2011, 2011 - 2012, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào THPT chiếm trên 70%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS tham gia bổ túc THPT chiếm khoảng trên 8%. Chỉ có 1,8% tốt nghiệp THCS vào học TCCN (năm 2010 - 2011) và 2% (năm 2011 - 2012). Số tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học, số bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm vào khoảng 350.000 HS… khiến một lượng không nhỏ thanh niên đến tuổi lao động chưa được đào tạo nghề là một lãng phí lớn cho xã hội.
Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hầu hết HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, sau đó thi vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, tỷ lệ HS sau THCS sang học các hệ nghề còn rất thấp, chỉ khoảng 5 - 6%, còn rất xa so với chỉ tiêu 30% mà Bộ Chính trị giao. Điều này gây áp lực rất lớn cho các trường ĐH, CĐ. Ngược lại, các trường TCCN, trường nghề, việc tuyển sinh đang rất khó khăn. Có nhiều nguyên nhân khiến công tác phân luồng chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Trước hết là nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều gia đình và HS không lượng sức học của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để rẽ sang con đường học nghề từ sớm. Việc các doanh nghiệp đòi hỏi người dự tuyển phải tốt nghiệp THPT cũng là trở ngại cho công tác phân luồng…
Phân luồng ngay từ đầu cấp THCS
GS.TSKH Nguyễn Minh Đường cho rằng, nếu không thực hiện được phân luồng HS phổ thông, đặc biệt là sau THCS, thì xã hội có nguy cơ không có đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề và trình độ để tiến hành CNH - HĐH. "Để làm được điều này cần có các giải pháp phù hợp. Phải có kế hoạch phát triển nhân lực cho từng kế hoạch 5 năm để làm căn cứ cho hệ thống giáo dục phân luồng; Có quy hoạch phân luồng HS sau THCS và THPT phù hợp với kế hoạch phát triển nhân lực… Đặc biệt là HS sau THCS phải được hướng nghiệp tốt để các em hiểu rõ tầm quan trọng của việc chọn được nghề đúng đắn, đúng năng lực, sở trường. Như vậy, sau khi học các em có cơ hội tìm được việc làm" - ông Đường cho biết.
Đồng quan điểm, TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: "Giáo dục hướng nghiệp cần được triển khai từ đầu THCS thay vì lớp 9 như hiện nay. HS phổ thông phải sớm được làm quen với thế giới việc làm và biết đánh giá đúng năng lực, thiên hướng thật của mình. Để làm được điều này, nhất thiết phải có các công cụ được thiết kế khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, của từng địa phương và nhóm đối tượng" - TS Phương nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: "Thực hiện phân luồng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, không thể chỉ mình ngành giáo dục đứng ra lo toan; Việc đầu tiên là cần phải giải bài toán tổng thể, vĩ mô. Thế nên, các ý kiến từ hội thảo này sẽ được tập hợp, cân nhắc để tìm ra những việc có thể làm được, từ đó tiếp tục tổ chức các hội thảo liên ngành. Với vấn đề vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng để giải bài toán tổng thể".
4 nhóm giải pháp đổi mới giáo dục và đào tạo Chiều 20/12, tại buổi họp báo về kết quả hội thảo khoa học "Những giải pháp cấp bách cần thực hiện để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đến năm 2030", PGS Trần Xuân Nhĩ - Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam cho biết: Trong hai ngày hội thảo (19 và 20/12), các chuyên gia và nhà quản lý giáo dục đã tìm biện pháp, việc làm cụ thể để đưa Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đi vào cuộc sống. Bốn nhóm vấn đề được các chuyên gia tập trung thảo luận và đề xuất. Cụ thể, hệ thống giáo dục phổ thông nên là 11 năm, trong đó tiểu học và THCS 9 năm, THPT 2 năm. Bậc THPT phân 3 luồng: Trường THPT đào tạo tiếp lên ĐH, CĐ (khoảng 50% HS tốt nghiệp THCS); trường TCCN; trường đào tạo nghề ngắn hạn. Làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 làm cơ sở xét tuyển ĐH, thi 4 môn (Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ và Tin học). Có cơ chế tuyển sinh, cử tuyển riêng để chọn người tài, có phẩm chất vào ngành sư phạm. Cả nước chỉ cần 20 trường sư phạm; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo trường công và ngoài công lập về chế độ, tôn vinh, bồi dưỡng; SV tốt nghiệp sư phạm loại giỏi được tuyển thẳng vào biên chế. Ngân sách Nhà nước chỉ nên đảm bảo cho khoảng 150 trường ĐH, thực hiện tự chủ tuyển sinh ngay trong năm 2014. |