Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó tìm được thêm mỏ dầu, khí lớn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2010, Petro Vietnam dự kiến sẽ đưa thêm sáu mỏ dầu khí mới vào khai thác, nhưng không có nhiều hy vọng sự kiện này giúp gia tăng sản lượng dầu và khí trong năm nay.

KTĐT - Năm 2010, Petro Vietnam dự kiến sẽ đưa thêm sáu mỏ dầu khí mới vào khai thác, nhưng không có nhiều hy vọng sự kiện này giúp gia tăng sản lượng dầu và khí trong năm nay.

40% sản lượng điện của Việt Nam hiện đang được sản xuất từ các nhà máy chạy bằng khí đốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).

Do vậy, khả năng tăng sản lượng khí khai thác trong những năm tới là nguồn hy vọng giúp Việt Nam khắc phục phần nào tình trạng thiếu điện, cũng như giảm sức ép tìm kiếm nguồn cung cấp than để sản xuất điện. Nhưng đến nay, cơ hội tìm thấy những mỏ dầu, khí đốt lớn ở trong nước đang cạn dần.

Năm 2010, Petro Vietnam dự kiến sẽ đưa thêm sáu mỏ dầu khí mới vào khai thác, nhưng không có nhiều hy vọng sự kiện này giúp gia tăng sản lượng dầu và khí trong năm nay. Theo kế hoạch khai thác năm 2010 của Petro Vietnam, sản lượng dầu thô vẫn chỉ là 15 triệu tấn và khí đốt là 8 tỉ mét khối, thấp hơn so với năm 2009.

Riêng với khí đốt, khả năng tăng sản lượng khai thác còn phụ thuộc điều kiện cơ sở hạ tầng, cụ thể là hệ thống đường ống dẫn khí và nguồn tiêu thụ. Hiện nay, khách hàng mua khí đốt không thiếu, nhưng mỗi năm Petro Vietnam chỉ cung cấp thêm được vài trăm ngàn mét khối, hầu hết là từ nguồn khí đồng hành thu hồi được trong quá trình khai thác dầu thô ở một số mỏ dầu mới.

Khác với dầu thô, tiềm năng gia tăng sản lượng khí đốt khai thác trong nước của Petro Vietnam vẫn còn. Đến nay, các nhà thầu đã phát hiện được một số mỏ khí có thể khai thác thương mại, trữ lượng khá lớn, nhưng do chưa có đường ống vận chuyển nên chưa thể phát triển mỏ.

Hiện nay, ngoài ba đường ống dẫn khí Bạch Hổ, Nam Côn Sơn và Cà Mau, Petro Vietnam đang xây dựng đường ống dẫn khí thứ tư từ vùng biển giáp ranh với Thái Lan về Ô Môn (Cần Thơ) và lên kế hoạch xây dựng đường ống Nam Côn Sơn thứ hai để khai thác các mỏ khí ở biển Tây và bể trầm tích Nam Côn Sơn, trong đó có mỏ Hải Thạch, với trữ lượng bằng hai mỏ khí Lan Tây và Lan Đỏ cộng lại.

Ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Petro Vietnam, nói: “Khi hoàn tất, sản lượng khí đốt cung cấp vào bờ sẽ tăng 30-40%, lên 10-11 tỉ mét khối/năm. Nhưng quan trọng hơn, các hệ thống đường ống vận chuyển mới sẽ giúp thúc đẩy các nhà thầu tăng cường đầu tư, tìm kiếm các mỏ khí đốt mới ở những khu vực còn tiềm năng”.

Tuy nhiên, ông Thực cũng thừa nhận, hy vọng tìm thấy những mỏ dầu, khí lớn là không nhiều. Trong sáu phát hiện mới về dầu khí trong năm ngoái, tất cả đều là những mỏ nhỏ, nên tổng trữ lượng dầu, khí tăng thêm trong năm chỉ có 34 triệu tấn (không kể trữ lượng của các mỏ dầu ở nước ngoài). Ngay kế hoạch năm 2010, Petro Vietnam cũng chỉ đặt mục tiêu gia tăng trữ lượng ở mức 35-40 triệu tấn dầu quy đổi (tính luôn cả ở nước ngoài).

Trong khi đó, nhu cầu dầu thô và khí đốt của Việt Nam trong tương lai sẽ tăng rất mạnh. Chỉ riêng hai nhà máy lọc dầu Long Sơn ở Bà Rịa - Vũng Tàu (sẽ ký hợp đồng liên doanh trong năm 2010) và Nghi Sơn ở Thanh Hóa (sẽ khởi công xây dựng trong năm nay), mỗi năm đã cần đến 20 triệu tấn dầu thô.

Ngoài ra, Petro Vietnam cũng đang nghiên cứu nâng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn. Do vậy, hướng đi sắp tới của Petro Vietnam là mở rộng mạnh phạm vi hoạt động ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để gia tăng sản lượng.

“Chúng tôi đã tính đến phương án nhập khẩu khí đốt bằng đường ống và nhập khí nén bằng tàu”, ông Thực tiết lộ. Theo ông, Petro Vietnam đang xem xét khả năng kết nối các đường ống dẫn khí của Việt Nam với một số nước trong khu vực Đông Nam Á để mua trực tiếp về cung cấp cho nhu cầu trong nước.

Theo tính toán của Petro Vietnam, từ năm 2012 Việt Nam cần nhập thêm mỗi năm khoảng 4 tỉ mét khối khí đốt. Riêng phương án nhập khí nén đã được triển khai với việc xây dựng hệ thống kho trữ lớn ở các tỉnh.

Bên cạnh đó, từ năm 2010 Petro Vietnam sẽ bắt đầu có những sản phẩm dầu, khí đầu tiên ở nước ngoài, thông qua việc đưa vào khai thác hai mỏ dầu Nhenhexky, SK 305 ở Liên bang Nga và Malaysia. Đồng thời, liên doanh khai thác dầu khí tại mỏ Junin (Venezuela) cũng chính thức hoạt động trong năm nay.

Dự kiến, sản lượng dầu thô khai thác ở nước ngoài của Petro Vietnam trong năm nay vào khoảng nửa triệu tấn. Con số này không lớn, nhưng đó là bước khởi đầu cho sự phát triển mạnh hơn trong tương lai gần.

Đến nay, Petro Vietnam đã đầu tư vào 21 dự án ở nước ngoài với tổng chi phí 600 triệu đô la Mỹ. Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petro Vietnam, cho biết sắp tới đầu tư của Petro Vietnam ra nước ngoài sẽ tăng vọt, nhất là khi Petro Vietnam và Gazprom (Nga) triển khai các dự án thăm dò, khai thác dầu khí trong khuôn khổ thỏa thuận đối tác chiến lược giữa hai bên. Riêng trong năm 2010, Petro Vietnam dự kiến đầu tư 110.500 tỉ đồng, tăng hơn 44.000 tỉ đồng so với năm trước đó.

Ngoài các dự án đã ký kết, Petro Vietnam cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí ở châu Phi, châu Mỹ, khu vực Đông Nam Á, Nga và những quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Năm ngoái, Petro Vietnam đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty dầu khí quốc gia của Bolivia, Nicaragua, Mozambique, Angola, Sudan, Kazakhstan, Argentina.

Ngoài ra, đầu tư nâng cấp công nghệ nhằm khai thác có hiệu quả những mỏ dầu khí hiện có cũng là giải pháp hữu hiệu để gia tăng sản lượng. Hiện nay, ở một số điểm trên mỏ Bạch Hổ, tỷ lệ dầu thu hồi được đã lên đến 50% tổng trữ lượng.

Tuy nhiên, còn không ít điểm ở ngay Bạch Hổ cũng như tại những mỏ dầu khác, tỷ lệ thu hồi mới đạt 20-30%. Nhiều mỏ đang khai thác là những mỏ có trữ lượng trung bình và lớn, từ hàng trăm triệu đến cả tỉ thùng, nên việc tăng được tỷ lệ thu hồi sẽ mang lại sản lượng không nhỏ.

Chắc chắn, trong vài thập niên tới, dầu và khí đốt sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia. Nếu kế hoạch đầu tư ở nước ngoài của Petro Vietnam thành công, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ có một chỗ dựa vững chắc về nguồn cung ứng năng lượng cho phát triển.