Vì vậy, nước Nga và cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào năm mới 2015 với nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Kinh tế suy thoái, đồng Rúp bị mất giá, giá dầu lửa giảm và những biện pháp trừng phạt về kinh tế, tài chính và thương mại của phương Tây là những tác nhân gây ra tác động riêng nhưng đồng thời cũng tạo nên tác động cộng hưởng tới kinh tế, tiền tệ, thương mại và chính trị xã hội nội bộ ở Nga. Không sai chút nào khi nói rằng nước Nga hiện đang gặp khó khăn cả ở bên trong lẫn ở bên ngoài. Mỹ và EU đang triệt để lợi dụng tình thế khó khăn của Nga, tiếp tục gia tăng áp lực nhằm buộc Moscow phải thay đổi chính sách đối với Ukraine và Crimea. Mỹ và EU nhận thức được rằng nếu vượt qua được thời kỳ khó khăn này, vị thế và ảnh hưởng của Nga sẽ được củng cố và sẽ không có chuyện Nga nhân nhượng Mỹ và EU về Ukraine. Thậm chí cả cục diện quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU, NATO cũng biến chuyển theo hướng ấy. Khó khăn ở bên trong cũng như ở bên ngoài hiện tại của Nga là cơ hội hiếm thấy và rất khó có lại đối với Mỹ và phương Tây để thực hiện ý đồ chiến lược là khuất phục hoặc lôi kéo, ràng buộc Nga vào quỹ đạo quan hệ hợp tác theo định hướng và kịch bản của Mỹ và phương Tây. Cũng vì thế mà 2015 sẽ lại là một năm bản lề đối với tương lai của Nga và của cá nhân ông Putin. Chìa khóa để nước Nga vượt qua những khó khăn hiện tại không hẳn là cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây mà trước hết ở những cuộc cải cách kinh tế không thể không thực hiện.