Quan niệm đàn ông nam tính phải là trụ cột, phải quyết đoán, có lối sống phóng khoáng, có quyền nóng nảy… đã khiến nhiều phụ nữ phải chịu sự bất bình đẳng, thậm chí bị bạo hành trong gia đình…
Phụ nữ thường bị hấp dẫn bởi những người đàn ông nam tính. Chỉ có điều, quan niệm về nam tính ở Việt Nam đã khiến cho người phụ nữ bị thiệt thòi, thậm chí bất hạnh.
Quan niệm về nam tính ở Việt Nam khiến nhiều người đàn ông trở thành những người sẵn sàng có hành vi bạo lực với vợ hay bạn tình của mình. Điều đáng nói là nhiều phụ nữ lại sẵn sàng chịu sự hành hạ của người chồng nam tính theo kiểu vũ phu còn hơn là lấy một người nhẹ nhàng, lịch sự mà họ cho là “đồ đàn bà”.
Việc không đánh giá cao người đàn ông "đảm đang", chỉn chu khiến chính phụ nữ thiệt thòi, thậm chí bất hạnh
Đặc trưng phổ biến nhất về nam tính ở Việt Nam là quan niệm cho rằng nam giới phải là trụ cột và người ra quyết định chính trong nhà, và người chồng phải có vị trí cao hơn người vợ, phải là người đứng đầu gia đình.
Để đạt được thứ quyền uy đó, nhiều người đàn ông cho rằng họ cần phải “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, bao gồm việc dùng mọi biện pháp, từ chửi mắng cho đến những trận đòn để những người vợ không được cãi lại và luôn luôn tuân phục chồng.
Điều đáng nói là những quan niệm lấy chồng nam tính không chỉ ăn sâu vào tiềm thức của đàn ông mà nó còn chi phối tình cảm của chính những người phụ nữ.
Trong thực tế, ngay từ khi chọn người yêu, phụ nữ Việt có xu hướng chọn những người đàn ông mạnh mẽ, phóng khoáng, “ăn to nói lớn”. Trong khi đó, những người đàn ông nhẹ nhàng, tinh tế không được đánh giá cao.
Chị Thu, một phụ nữ ở Hà Nội cho biết, khi còn trẻ, chị được rất nhiều đàn ông theo đuổi, nhưng không hiểu sao, cứ thấy người nào hiền lành, chăm chỉ thì chị lại ghét.
“Hồi tôi còn trẻ, những người đàn ông nhẹ nhàng tình cảm mà đến cưa cẩm là tôi từ chối thẳng thừng. Thậm chí, tôi còn tỏ thái độ khó chịu, coi thường họ. Điển hình là anh hàng xóm nhà tôi, là một người đàn ông rất có trách nhiệm với gia đình. Nhưng cứ khi nào tôi nhìn thấy anh ấy mang đống chăn chiếu ra giặt cho mẹ hoặc nhóm bếp lò là tôi lại nghĩ thầm trong bụng: Đúng là đồ đàn bà!
“Thế rồi tôi lấy chồng. Chồng tôi là một người đàn ông khỏe mạnh và nam tính. Tôi bị hấp dẫn bởi sự mạnh mẽ của anh ấy. Khi yêu, có đôi lần anh ấy đã quát mắng khiến tôi phải khóc, nhưng tôi không giận. Nhưng kể từ khi lấy nhau, tôi mới hiểu thế nào là cái “nam tính” đó. Chồng tôi tính gia trưởng, luôn bắt tôi phải phục tùng và rất hay to tiếng với vợ. Việc nhà, anh ấy chẳng bao giờ làm. Ngay cả khi tôi bị ốm, anh ấy cũng không động tay động chân. Đã có lần tôi bị chồng tát tai vì dám cãi lại anh ấy. Nhiều lúc, tôi ao ước, giá như chồng tôi “đỡ nam tính” hơn, giá như anh ấy nói năng nhẹ nhàng và có thể chia sẻ với tôi việc nhà. Nhưng nghĩ kỹ thì hậu quả ngày hôm nay là do sự lựa chọn của bản thân tôi khi còn trẻ”.
Những người phụ nữ có suy nghĩ và hoàn cảnh tương tự như chị Thu rất phổ biến. Chị Hương, một phụ nữ sinh sống ở TP Đà Nẵng cũng kể rằng, khi còn trẻ, chị đã chia tay anh người yêu đầu tiên, một người đàn ông sống rất tình cảm và nhẹ nhàng để lấy một người đàn ông mà chị cho là rất nam tính.
Nhưng chị đã phải sống một cuộc sống đau khổ trong suốt hơn 20 năm qua chỉ vì cái nam tính đó của chồng. “Anh ta hay ghen tuông, cấm đoán mọi mối quan hệ của vợ, đồng thời cư xử với chị rất thô lỗ, rất nóng tính, sẵn sàng đánh vợ những khi anh ấy bực mình vì chuyện gì đó. Nhiều khi tôi tự hỏi mình, tại sao tôi lại chia tay với người đàn ông hiền lành tốt bụng để lấy người đàn ông vũ phu này?” - chị Hương tâm sự.
Có một điều mà chắc chắn người người phương Tây sẽ thấy khó hiểu khi phụ nữ Việt Nam trong khi kêu khổ vì bị đối xử bất bình đẳng, chịu sự bạo lực giới rất cao nhưng lại luôn đánh giá thấp những người hiền lành tốt bụng như người yêu đầu tiên của chị Hương.
Trong khi một người đàn ông Tây tay xách nách mang, bế con, nội trợ… là rất bình thường, thì một người đàn ông Việt chợ búa cơm nước, trông con… sẽ bị coi là “đồ đàn bà”. Thậm chí, có chị vợ kia rất hay phàn nàn về việc mình quá vất vả trong việc chăm sóc con cái, nhưng cũng lại nói rằng: ‘Đàn ông mà tối tối cứ quanh quẩn ở nhà, bám váy vợ, chẳng thấy ai gọi đi nhậu nhẹt bao giờ là loại đàn ông vứt đi!”.
Có lẽ, chính những quan niệm về nam tính theo kiểu phải mạnh mẽ, phải là trụ cột, phải kiếm nhiều tiền, phải quyết định mọi việc, có quyền nóng tính và phải... "dạy vợ" đã khiến phụ nữ trở thành những nạn nhân của bạo hành gia đình. Điều này nghiêm trọng và khiến cho công cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới trở nên khó khăn hơn khi họ mang những quan niệm đó để truyền lại cho các thế hệ sau và vì thế, thay đổi quan niệm về nam tính sẽ góp phần ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ.
Theo nghiên cứu Quốc gia đầu tiên về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam, cứ ba người phụ nữ từng kết hôn thì có một người đã từng bị chồng bạo lực về thể chất hoặc tình dục ít nhất một lần trong đời. Gần một nửa số phụ nữ bị bạo lực không nói ra sự việc cho thấy quan niệm xã hội
về bạo lực góp phần không nhỏ vào việc cả nam giới và phụ nữ chấp nhận bạo lực.
|