Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khổ vì thiếu người giúp việc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ngày đầu năm, nhiều gia đình ở Hà Nội có con nhỏ, người già cần chăm sóc đang rơi vào tình trạng "náo loạn" vì thiếu người giúp việc. Trong khi đó, nguồn cung của loại hình lao động này lại khan hiếm.

 “Thành phần không thể thiếu”

Sau Tết, chuyện tìm người giúp việc với những gia đình ở thành phố luôn là vấn đề đau đầu. Trong khi nhiều người lao động, công nhân, ngay sau Tết phải "cấp tốc" tìm hoặc giữ công việc thì riêng người giúp việc không những không lo thất nghiệp mà còn có giá hơn. Đấy là một thực tế, bởi cuộc sống hiện đại, bận rộn, nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng "không thể duy trì nếu thiếu người giúp việc". Bởi thế, để lo giữ chân người giúp việc, để họ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, trước đó nhiều tháng, không ít gia đình đã phải treo thưởng tiền Tết hậu hĩnh, hứa hẹn tăng lương… Tuy nhiên, không ít gia đình vẫn rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười" vì người giúp việc lỗi hẹn.

Khổ vì thiếu người giúp việc - Ảnh 1

Mặc dù giúp việc đã thành một nghề trong xã hội nhưng vẫn thiếu sự chuyên nghiệp. Ảnh minh họa

Chị Hoàng Thị Hà (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) kể: Mới đầu năm mà vợ chồng đã cãi nhau vì không có người trông con, trong khi công việc của cả hai không thể bỏ dở được. Người giúp việc trước Tết đã đòi về sớm, hứa sẽ lên đúng hẹn, nhưng đến mùng 6 vẫn chưa thấy đâu. Gọi điện, thì nhận được câu trả lời: "Chồng cô ốm, chưa thể lên được". Mình đã tìm đến các trung tâm, nhưng cũng không dễ gì có ngay người làm được, cuối cùng đành thuê một bạn sinh viên trông cho buổi sáng, chiều phải nghỉ làm.

Câu chuyện ấy đang xảy ra với không ít gia đình khi người giúp việc bỏ việc hoặc lên quá muộn so với lịch làm việc. Đây là tình trạng năm nào cũng xảy ra khi lượng lao động giúp việc "biết nghề" ít, mà nhu cầu lại tăng cao. Từ đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh không chỉ bằng lương, thưởng mà còn cả điều kiện ăn ở, công việc nặng nhẹ, thái độ của gia chủ… Nhiều người giúp việc lấy lý do không trở lại gia đình cũ bởi đã tìm được nơi mới lương tốt hơn. Rồi tình trạng thiếu chuyên nghiệp, "thích thì làm, không thích thì nghỉ" của người giúp việc cũng khiến các gia đình mệt mỏi.

Những ngày này, tại các trung tâm giới thiệu người giúp việc luôn trong tình trạng quá tải, bởi số lượng người đến tìm lao động tăng cao. Nguyên nhân là do người giúp việc muốn tìm chỗ làm mới tốt hơn, hoặc do ở quê bận cấy hái, đi lễ chùa đầu năm. Cùng với đó, nhiều người nhân dịp đầu năm, đòi chủ nhà tăng lương quá "khủng", nên đành chấm dứt hợp đồng.

Hướng tới sự chuyên nghiệp

Hiện nay, giá thuê người giúp việc khá cao, trung bình từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng đối với gia đình có con nhỏ hoặc người già và 2,5 - 3 triệu đồng/tháng đối với gia đình chỉ cần giúp việc nhà. Chưa kể, hiện có những người giúp việc được đánh giá là biết việc, chịu khó đã "đòi" 4 triệu đồng/tháng, chủ nhà bao cơm ăn, chỗ ở, tiền tàu xe, đi lại… Đồng thời, hiện cũng thịnh hành hình thức thuê người giúp việc theo giờ với mức từ 100.000 - 150.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, đa số họ là sinh viên và chỉ nhận hợp đồng dọn dẹp nhà cửa, thi thoảng mới có người nhận trông trẻ nửa ngày. Đây cũng là lực lượng được nhiều gia đình hướng tới trong những ngày đầu năm.

Mặc dù người giúp việc đã thành một nhu cầu phổ biến với nhiều gia đình, một nghề trong xã hội nhưng vẫn hỗn loạn bởi sự thiếu chuyên nghiệp. Sự xuất hiện của những trung tâm môi giới thời gian qua chưa có nhiều đóng góp trong việc chuyên nghiệp hóa nghề này mà đôi lúc còn khiến cho thị trường của lao động giúp việc trở nên rối rắm. Chính vì thế, việc gia chủ không tôn trọng người giúp việc, người giúp việc không tôn trọng hợp đồng liên tục diễn ra, khiến nhiều người vẫn có cái nhìn không đúng về nghề. Trong khi đó, việc hướng tới công nhận nghề giúp việc làm một nghề chuyên nghiệp vẫn đang "tắc" ở khâu đề xuất và tranh cãi, khi Bộ LĐTB&XH hướng tới chủ sử dụng lao động và người lao động phải có ký kết hợp đồng, trong đó có điều khoản về lương tối thiểu, thời giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các chế độ khác cho người lao động… Và những ngày đầu năm này, thị trường lao động giúp việc lại khiến nhiều gia đình "chạy đôn chạy đáo".