Trong đó, khó khăn nhất là tiêu chí trường học. Sau 3 năm xây dựng NTM, xã Đại Thắng đã cải tạo và xây mới được 4 phòng học và 6 phòng chức năng của trường tiểu học; xây dựng công trình phụ trợ của hai điểm trường học; xây mới nhà hiệu bộ và phòng bộ môn trường THCS; xây dựng trường Mầm non Đại Thắng A; san nền trường Mầm non Đại Thắng B… với tổng kinh phí đã thực hiện hơn 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về tiêu chí, cả 3 trường ở xã Đại Thắng đều chưa đạt chuẩn. Trong đó, trường THCS và trường tiểu học của xã còn thiếu nhà tập đa năng.
Trường học ở xã Đại Thắng chưa đạt chuẩn do thiếu kinh phí.
|
Bên cạnh đó, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa cũng còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, xã Đại Thắng mới có 3/4 thôn có nhà văn hóa và khu vui chơi thể thao, 1 nhà văn hóa đã có mặt bằng nhưng chưa xây dựng với số vốn thực hiện khoảng 3,3 tỷ đồng. Về giao thông, xã đã đầu tư xây dựng, bê tông hóa 4,7km đường giao thông liên xã; 3,5km đường trục xã, trục thôn; 1,9km đường ngõ xóm. Tuy nhiên, còn 2km đường liên xã với kinh phí 15 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành. Về thủy lợi, đã cứng hóa được 1km kênh mương trục chính nội đồng, 20 cống tưới tiêu… Song, các tuyến kênh chính còn lại là 6,8km với kinh phí thực hiện khoảng 6,7 tỷ đồng chưa thực hiện được vì chưa có vốn. Đó là chưa kể, công tác vệ sinh môi trường ở xã còn làm chưa tốt, rác thải vẫn đổ tràn lan ra các bờ kênh, mương; nguồn nước bị nhiễm asen trong khi 100% dân số sử dụng nước giếng khoan hoặc nước mưa...
Những tồn tại đó, theo ông Nguyễn Đức Soát - Bí thư Đảng ủy xã Đại Thắng là do thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn; một số dự án có nguồn vốn đầu tư là vốn lồng ghép chưa triển khai được do thiếu vốn. Việc vận động doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tham gia đóng góp xây dựng NTM còn hạn chế. Do vậy, mong muốn lớn nhất của xã Đại Thắng trong năm 2014 là được UBND TP và huyện Phú Xuyên hỗ trợ các nguồn vốn theo đề án đã được duyệt để hoàn thành các tiêu chí NTM.