Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó xử lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã nhiều lần công chúng bức xúc trước những quảng cáo trên truyền hình có nội dung, hình ảnh phản cảm, nhưng chưa có bất kỳ một quảng cáo nào trên truyền hình phải dừng phát hay bị phạt. Dường như có sự lỏng lẻo và bất cập trong quản lý các "chiêu PR" trên truyền hình.

Hàng loạt quảng cáo phản cảm

Phân tích nguyên nhân của sự xuất hiện hàng loạt quảng cáo phản cảm trên truyền hình thời gian gần đây, nhiều người cho rằng có thể lý giải là do yêu cầu phải lạ, gây "sốc", nên các nhà làm quảng cáo có phần coi nhẹ nội dung. Hoặc do giá quảng cáo trên truyền hình quá đắt nên "chủ" quảng cáo luôn cố gắng bớt thời lượng, dẫn đến sai lệch cả thông điệp.

 
Nhiều quảng cáo phản cảm vẫn được phát trong khung giờ vàng (Ảnh minh họa).
Nhiều quảng cáo phản cảm vẫn được phát trong khung giờ vàng (Ảnh minh họa).
Trong quảng cáo của hãng sữa Anlene, nhân vật nữ chính thổ lộ: "Bác sĩ nói mẹ bị loãng xương, nên… mình uống sữa hàng ngày để phòng ngừa loãng xương". Như vậy rất dễ dàng tạo cho người xem suy nghĩ, cô con gái trong đoạn quảng cáo ích kỷ, bất hiếu bởi thay vì mua sữa cho mẹ uống lại chỉ lo lắng cho bản thân. Dù nghệ sĩ trong vai diễn quảng cáo có thanh minh đó là vì khi phát sóng, đoạn quảng cáo đã bị cắt cúp, nhưng không thể ngăn cản khán giả nhận xét trên những gì mắt thấy tai nghe. Vô lý hơn là hình ảnh một cô gái "chạy như bay" từ trên tầng xuống đường chỉ để liếm giọt tương ớt rơi trên mặt một người đàn ông lạ. Thậm chí để "câu khách", nhiều mẩu quảng cáo để cho nhân vật ăn mặc hở hang, điển hình là 3 người đẹp Yến Trang, Ngọc Trinh và Hoàng Yến chỉ mặc một chiếc sơ mi trắng mỏng tang, lộ rõ nội y để quảng cáo cho một sản phẩm nước giải khát. Rồi để quảng bá cho vị "tươi" và "mát" của sản phẩm bia, nhà sản xuất chọn hình ảnh những cô gái ăn mặc "thiếu vải" đang chơi trò tung bóng, có cô còn cố tình ưỡn mông đỡ bóng... Ban đầu xem, ai cũng ngỡ đây là quảng cáo đồ thể thao, nhưng thực ra, họ đang "biểu diễn" trên cốc bia theo trí tưởng tượng của một anh chàng đang "hau háu" nhìn vào cốc bia đầy thèm khát… Rồi không ít quảng cáo băng vệ sinh, nước rửa bồn cầu hay thuốc tiêu hóa... phát vào giờ ăn cơm đã gây phản cảm cho khán giả. Điều này càng khiến người xem nhớ lâu về sản phẩm với cảm giác khó chịu vì sự thiếu tế nhị.

Khó xử lý

Tạo ra quảng cáo là công việc của các doanh nghiệp, nhưng phát quảng cáo lại nằm trong quyền hạn và trách nhiệm của "nhà đài". Bấy lâu nay, "nhà đài" vẫn phát quảng cáo một cách tràn lan, thiếu kiểm soát, lựa chọn nội dung quảng cáo, giờ phát sóng. Và bất chấp phản ứng của dư luận, những quảng cáo phản cảm vẫn đều đặn lên sóng và chiếm tần suất lớn ở những khung giờ vàng. Vậy mà, chưa có bất kỳ một quảng cáo nào trên truyền hình phải dừng phát hay bị phạt dù rất phản cảm. Trong khi đó, quảng cáo trên các sản phẩm khác như phim ảnh, video clip hay trong các chương trình nghệ thuật khi bị phát hiện đều bị xử phạt (cho dù mức phạt còn thấp). Nếu tính về độ ảnh hưởng tới công chúng, quảng cáo trên truyền hình có sức lan tỏa lớn hơn, không chỉ vì đông công chúng mà còn được lặp đi lặp lại nhiều lần. Rõ ràng, quảng cáo trên truyền hình hiện nay đang bị buông lỏng.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Mạnh (Văn phòng luật sư Thịnh Khang, Hà Nội) cho biết: "Mẫu quảng cáo có nội dung và hình thức thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam là vi phạm điều cấm của Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, đối với những mẫu quảng cáo không rõ nét về những vi phạm trên thì khó xử lý... vì thực tế vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn mô tả chi tiết các hành vi vi phạm này. Theo Điều 11 Luật Quảng cáo thì tổ chức có hành vi vi phạm quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Còn đối với cá nhân, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Vậy là do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên các nhà quản lý vẫn khó xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Song có lẽ, đến khi nào các cơ quan chức năng còn "giơ cao đánh khẽ" như hiện nay, thì vẫn tồn tại những quảng cáo phản cảm.