Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoa học công nghệ giúp gia tăng 30% giá trị sản xuất nông nghiệp

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được Bộ NN&PTNT đề cập tới trong báo cáo về phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp mới đây.

 Mô hình canh tác rau thuỷ canh tại huyện Thanh Trì.
Theo Bộ NN&PTNT, cơ sở hạ tầng cơ bản nhất cho sản xuất nông nghiệp là thủy lợi đã có bước phát triển đáng kể, được cải tạo, nâng cấp thường xuyên. Hiện, hệ thống thuỷ lợi đảm bảo tưới cho 7,2 triệu ha trồng lúa (chiếm 95% diện tích lúa) và tiêu cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp.
Hệ thống kinh doanh dịch vụ logistics đang được hình thành và phát triển. Hệ thống các cơ sở hạ tầng thương mại lương thực, thực phẩm tiếp tục được quan tâm, đầu tư, cải tạo, nâng cấp,đáp ứng yêu cầu giao thương.
Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, đến nay đã có bước phát triển mới. Hàm lượng khoa học công nghệ cao giúp làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu khoa học công nghệ tập trung vào các sản phẩm chủ lực, từng bước giải quyết bức xúc thực tiễn.
Cùng với khoa học công nghệ, Bộ NN&PTNT cũng đã đẩy mạnh chế biến, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Nhờ đó, mức tổn thất sau thu hoạch lúa gạo giảm từ 13% xuống còn 10%. Chăn nuôi quy mô trang trại, công nghiệp đối với lợn chiếm trên 35%, với gà trên 40%, với trâu bò trên 45%…
Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt. Diện tích đã dồn điền đổi thửa cả nước đến nay đạt 693.700ha, chiếm 6% đất sản xuất nông nghiệp. Sản xuất lương thực, thực phẩm theo các tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap... đã dần trở nên quen thuộc với người nông dân...