Ngày 11/5, Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chương trình Con người và Sinh quyển và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Khoa học công nghệ phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam”.
Quang cảnh buổi Hội thảo.
|
Phát biểu tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng, trong quá trình phát triển, ngoài những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội thì cũng tồn tại những mặt trái đó là môi trường bị ô nhiễm, hủy ngoại một cách nghiêm trọng mà ví dụ gần đây nhất là việc hải chết hàng loạt tại các vùng biển miền Trung và sông Bưởi (tỉnh Thanh Hóa)...
Khu dự trữ sinh quyển có thể coi là một mô hình đặc biệt được UNESCO đề sướng ở đó tích hợp nhiều vấn đề như văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý, khoa học xã hội nhân văn để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và bền vững.
Hiện Việt Nam có 9 Khu dự trữ sinh quyển. Việc quản lý hiện nay vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, theo ông Tạc đây cũng là điều bình thường vì ở đó tích hợp quá nhiều vẫn đề ở một lĩnh vực quá mới không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn mới đối với cả thế giới. Đối với các nhà khoa học ở một nước đang phát triển như Việt Nam thì đây thật sự là vấn đề rất khó. Bộ KH&CN với vai trò là đơn vị tiên phong đã bắt đầu khởi động với 5 nhiệm vụ nghiên cứu tại 5 khu dự trữ sinh quyển. Trong quá trình thực hiện khi gặp khó khăn ở khâu nào, mỗi đơn vị cần nâng cao tính chủ động đề xuất hướng giải quyết với các đơn vị quản lý nhà nước để xem xét trình Chính phủ. Bên cạnh đó, các Ban quản lý các khu dự trữ sinh quyển nâng cao tinh thần học hỏi các nước trên thế giới.
Từ năm 2015, Bộ KH&CN đã quyết định dành một phần hỗ trợ cho các khu dự trữ sinh quyển bằng ngân sách sự nghiệp khoa học để nghiên cứu tìm giải pháp để có thể bảo tồn, khai thác, song vẫn giữ cho thiên nhiên sạch và phát triển bền vững.
Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao của thế giới và khu vực. Năm 2000 UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam là Cần Giờ. Đến năm 2015 UNESCO công nhận Lang Biang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam.
Từ năm 2015 Bộ KH&CN đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam xem xét các nhu cầu của 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam về các vấn đề phát triển bền vững như hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế của người dân, với phát triển kinh tế của địa phương, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với bảo tồn văn hóa dân tộc, với phát huy tri thức bản địa,…
Các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội thảo luận và đề xuất những vấn đề nghiên cứu nhằm giúp địa phương giải quyết những vấn đề này. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã phê duyệt và tổ chức thực hiện cho 5 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thực hiện tại 5 Khu dự trữ sinh quyển. Kết quả của mỗi nhiệm vụ này sẽ là một số mô hình về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững được thí điểm triển khai thực hiện tại một khu dự trữ sinh quyển. Những mô hình này là kinh nghiệm để các khu khác học tập và có tác dụng lan tỏa cho cả mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.