Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoan nói đến con số

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, sau khi tính toán lại, Bộ KH&ĐT đã đưa ra con số nợ công trong năm 2014 của Việt Nam là 66,4% GDP, chênh so với mức 59,9% GDP đã công bố trước đó.

Để có được con số này, Bộ KH&ĐT đã tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng là 5%. Lý do bởi phạm vi xác định nợ công theo Luật Quản lý nợ công còn có một số bất cập và chưa tính đầy đủ một số khoản nợ có bản chất là nợ công, làm ảnh hưởng đến sự chính xác và cập nhật của số liệu. Với số liệu mới, con số nợ công của Việt Nam là 2,656 triệu tỷ đồng. Trong khi đó nợ công, theo Luật Quản lý nợ công là 2,395 triệu tỷ đồng. Kết quả này cho thấy nợ công của Việt Nam thực chất tăng lên rất nhanh và gánh nặng nợ công đang lớn hơn. Trong khi đó cân đối nguồn trả nợ trong ngân sách Nhà nước không đủ, vay để trả nợ gốc ngày càng tăng (vay trả nợ gốc năm 2014 gần 80.000 tỷ đồng; năm 2015 là 130.000 tỷ tồng).

Việc đánh giá đúng nợ công và “thực chất” nợ công của một nền kinh tế, một quốc gia là rất quan trọng, đặc biệt trong những thời điểm nhạy cảm. Bởi lẽ, nếu chỉ chú trọng vào con số tỷ lệ nợ công cao một cách thuần túy sẽ gây nên hiệu ứng tâm lý hoang mang, thiếu tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng xã hội, bị giới đầu cơ lợi dụng tấn công, dễ gây rối loạn nền kinh tế. Ngược lại, nếu yên tâm với tỷ lệ nợ công còn trong giới hạn an toàn, mà không phân tích cẩn trọng, chú ý đúng mức đến khoản nợ đó được hình thành như thế nào, bằng cách nào, thực trạng nền kinh tế và khả năng trả nợ thế nào, cũng sẽ dễ đẩy nền kinh tế rơi vào vòng xoáy thâm hụt ngân sách tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Và thực tế thời gian qua cho thấy, con số nợ công của Việt nam đã nhìn thẳng vào sự thật hơn.

Tuy nhiên, hãy khoan nói đến các con số trên, điều quan trọng hơn lúc này là cần sớm có những giải pháp hạn chế gia tăng nợ công, đặc biệt trong việc cương quyết giảm chi tiêu ngân sách, giảm chi tiêu thường xuyên, thực hiện các biện pháp tiết kiệm. Đi cùng với đó là việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật; Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, năng suất lao động, tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN… là những yếu tố cần thiết hơn lúc nào hết trong việc cải thiện chỉ số nợ công hiện nay.