Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoảng 4 vạn du khách trẩy hội chùa Hương ngày khai hội

Văn Trọng-Phạm Hùng-Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/2 (tức mùng 6 Tết Ất Mùi), UBND huyện Mỹ Đức đã trọng thể tổ chức lễ khai hội chùa Hương Xuân Đinh Dậu 2017 tại chùa Thiên Trù thuộc quần thể Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức (BTC) lễ hội cho biết, để có được một mùa lễ hội được thành công tốt đẹp, xứng đáng với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”, Ban tổ chức lễ hội đã nỗ lực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về cả cở sở vật chất cũng như điều kiện ATGT, VSATTP, an ninh trật tự, môi trường... tạo thuận lợi cho du khách đi trẩy hội. Đồng thời, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho người dân địa phương, kiến thức giao tiếp ứng xử lịch sự, văn minh đối với du khách. Ban Tổ chức lễ hội cũng bày tỏ mong muốn du khách giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự nơi công cộng, không bẻ cây lấy đá, không viết vẽ lên các công trình, di tích, không đốt vàng mã ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường.

Theo dự kiến của Ban tổ chức, sẽ có khoảng 4 vạn du khách trẩy hội chùa Hương ngày khai hội. Đây là con số để giúp ban tổ chức tính toán các phương án phân luồng và đảm bảo an toàn cho du khách thập phương.
Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm nay cho biết, Lễ hội Chùa Hương chính thức khai hội ngày hôm nay và kéo dài đến tháng 25/3 Âm lịch. Ban tổ chức Chùa Hương cũng dự kiến đón khoảng 1,3 đến 1,5 triệu khách, thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng.
 
 
Ngân sách thu từ nhiều năm nay được thành phố cho phép huyện thụ hưởng 100%, để tái đầu tư phát triển du lịch tâm linh ở Chùa Hương thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong năm 2016, lễ hội chùa Hương đã thu hút tổng cộng 1,45 triệu khách tham quan.

 
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2017 cho biết, từ mùng 2 Tết đến hết chiều mùng 5 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đón khoảng 100 nghìn lượt khách, tăng khoảng sáu nghìn lượt so với năm ngoái. Lượng người đổ về chùa Hương ngày khai hội khoảng 40 nghìn lượt người, bằng năm ngoái và không tăng đột biến do khai hội rơi vào ngày đầu tiên công sở trở lại.
 
 
 

Trong mấy ngày đầu năm, thống kê của Ban tổ chức cho thấy mùng 3 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đẹp ngày, có tới gần 40 nghìn lượt du khách về khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Nếu những người đi lễ sớm rời khỏi động Hương Tích lúc 7-8 giờ sáng khá thong dong, dòng người khi này mới ùn ùn đổ về các điểm di tích. Ùn tắc cục bộ ở một số điểm, chẳng hạn lối vào động Hương Tích du khách phải nhích từng bước.
 
 
Dù lượng khách đổ về vài chục nghìn người trong ngày, nhưng ít hiện tượng lộn xộn tại bến đò, cáp treo vì mọi người xếp hàng khá trật tự. Điều này có được do phương án phân luồng và nỗ lực của Ban tổ chức những năm gần đây.
 Đông đảo người dân tham dự lễ hội
Đại diện Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2017 cũng cho biết thêm, giá vé tham quan thắng cảnh tại chùa Hương năm nay đã tăng. Trước đó, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí, lệ phí trên địa bàn thuộc thẩm quyền HĐND thành phố, trong đó có giá vé thăm quan thắng cảnh chùa Hương.
 Đông đảo người dân về khai hội Chùa Hương
Cụ thể: Với hạng vé thường: tăng từ 49.000 đồng lên 80.000 đồng /người; vé hạng vé ưu tiên: tăng từ 24.000 đồng/người lên 38.000 đồng/người; vé đò thuyền: 50.000 đồng/người. Như vậy, gộp cả vé thăm quan thắng cảnh và đò thuyền, du khách sẽ phải mua vé là 130.000 đồng/người với vé thường và 88.000 đồng/người với vé ưu tiên. Vé cáp treo, người lớn là 160.000 đồng/người (vé khứ hồi) và 100.000 đồng/người (vé một chiều); trẻ em:100.000 đồng/người (vé khứ hồi) và 70.000 đồng/người (vé một chiều); trẻ em cao 1,1m trở xuống được áp dụng mức giá dành cho trẻ em, cao trên 1,1m mức giá vé tính như người lớn.
 
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý Khu di tích danh thắng Hương Sơn cho biết mức thu này vẫn thấp hơn mức trần quy định của Bộ Tài chính. Mức thu phí này bao gồm cả tiền bảo hiểm, tuy nhiên mỗi đò chỉ trang bị ba, bốn cái phao là miếng xốp vuông vuông đủ cho vài người bám. 
Năm nay, công tác vệ sinh môi trường được đặc biệt quan tâm. Nhiều nhà vệ sinh công cộng bên ngoài đề biển rõ ràng và miễn phí, dù bên trong còn chưa sạch sẽ nhưng đều có công nhân vệ sinh túc trực dọn dẹp. Năm nay chủ đò còn đèo thêm sọt rác để du khách khỏi xả xuống suối. Du khách nhìn chung ý thức hơn, nhưng công nhân vớt rác dọc suối Yến vẫn làm không ngơi tay. Vài năm nay Ban tổ chức cũng cố gắng dẹp nạn treo thịt thú rừng, thú nuôi ở chùa Hương... 
 

Từ lâu chùa Hương đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của các phật tử, tăng ni và du khách muôn phương nô nức về hành hương lễ phật. Tương truyền đi lễ phật tại Động Hương Tích (Nam Thiên Đệ Nhất Động) nơi Bồ Tát Quán Thế âm ứng thiện tu hành. Chùa Hương không chỉ nổi tiếng là nơi có nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh mà còn nổi tiếng bởi quần thể danh thắng với 18 điểm di tích gắn liền với núi rừng Hương Sơn. Năm 1962, chùa Hương được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1962.

Ngày 19/5/1958, Bác Hồ về thăm chùa Hương và không quên nhắc nhở chính quyền và Nhân dân phải bảo vệ rừng, núi, dòng suối Yến, không phá đá, không săn bắn thú rừng, xây dựng chùa ngày càng đẹp hơn để người dân cả nước và bạn bè thế giới dân đến lễ Phật. Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, Ban quản lý Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, cảnh quan để chùa Hương không những là di tích cấp Quốc gia mà là còn di tích Quốc gia đặc biệt.