Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoảng cách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tôi thấy chị dâu tương lai đảo mắt nhìn quanh một lượt, chị rút từ trong chiếc túi xách bóng loáng ra một mớ giấy thơm thơm rồi lau rõ kỹ chiếc ghế trước khi ngồi xuống. Anh còn cẩn thận hơn, thổi thêm một lượt để chị nhón chiếc váy điệu đà kia xuống.

 Ngoại ái ngại khi anh dẫn người yêu về chơi, nhà cửa bừa bộn, mái ngói ẩm mốc, trên tường dày đặc vết nứt, chi chít những tấm bằng huân chương kháng chiến. Cái ấm trà, bộ bàn ghế chắc cũng từ những năm tám mươi về trước.
 
 Khoảng cách - Ảnh 1
 
 
Anh là con trai duy nhất của dì ba, ngày dì hy sinh, anh chỉ mới hai tuổi. Dượng bị trúng bom khi đi lấy củi trên rừng. Vậy là ngoại nuôi anh từ nhỏ đến lớn. Mẹ kể, hồi ấy, dù có đói khát đến đâu, ngoại cũng không bao giờ để anh phải ngủ đói một bữa. Ngoại thương anh, thương cả cái phần của dì dượng.
 
Ngoại chắt bóp nuôi anh đi học tới cấp ba thì anh theo bạn, bỏ học vào thành phố kiếm việc làm. Nghe đâu anh gặp may, được một ông chủ tốt bụng nhận vào làm lính thân cận, rồi cho học lái xe, làm tài xế riêng cho ông ấy. Ông chủ không có con trai nên dần dà cất nhắc anh làm trợ lý.
 
Từ khi đi làm, có chút tiền của, anh ít khi về nhà, ít khi điện thoại hỏi thăm ngoại. Lễ Tết anh chỉ về thắp nén nhang cho dì dượng rồi tất tả đi ngay. Chỉ thương ngoại, mỗi lần có ai vào ra là lại gửi gắm bao thứ quà quê. Khi thì nải chuối, khi thì con gà đã luộc sẵn, khi thì mớ bánh dày mà hồi bé anh thích ăn.
 
Hôm nọ anh đi ô tô về trước cổng, chiếc ô tô mới cáu dừng ở khá xa nhà vì đường vào hơi hẹp. Bọn con nít trong xóm chạy ra, một đứa sờ tay lên nước sơn bóng loáng thì bị anh la cho một hồi. Chị người yêu bên cạnh chẳng khác gì người mẫu. Chị trố mắt nhìn đám trẻ con nơi quê nghèo rồi dè chừng chúng cứ như chúng sẽ nhảy bổ vào làm dơ áo chị.
 
Anh bảo anh và chị sẽ kết hôn. Anh thông báo vậy thôi. Kết hôn ở nhà hàng lớn trong thành phố.
 
Anh đưa cậu Hai xấp tiền, bảo cậu chuẩn bị áo quần cho ngoại, cho cậu mợ, cho những ai vào trong ấy dự đám cưới. Anh dặn đi dặn lại, mọi người đừng làm anh mất mặt. Cậu không nhận, biểu anh cất đi để tổ chức đám cưới. Hai người giằng co cọc tiền lạnh tanh, cuối cùng anh thả xuống bàn rồi nói chưng hửng “cậu cầm đi, nhớ đừng làm mất mặt cháu.”
 
Ngoại nén tiếng thờ dài, nhìn lên bàn thờ, nhìn lên góc tường nơi tấm bằng liệt sĩ của mẹ anh còn nằm đó. Ừ, thì con người ta đến khi về trời cũng chỉ mong con cháu mình hạnh phúc, thành đạt. Anh được như ngày hôm nay nghĩa là ngoại đã có thể ăn nói với dì dượng nơi chín suối. Nhưng sao mà, tình cảm cứ nhàn nhạt, xa cách vậy không biết. Cả cái cô cháu dâu kia, cái kiểu nó đứng níu tay cháu mình cứ như muốn rời khỏi nhà này càng nhanh càng tốt.
 
Ngày bé, anh quấn lấy chân ngoại không rời, lớn tướng mà còn ôm hôn rồi nghịch cái ti như quả khô của ngoại suốt ngày. Nhớ có lần anh sốt cao, ngoại thức nguyên đêm để sờ trán anh, cậu mợ hai cũng lo, chốc chốc lại thắp cái đèn dầu lên để xem anh thế nào.
Mọi người đã yêu thương anh bằng tình yêu của tất cả cộng lại. Thế mà bây giờ, anh thậm chí còn không nắm lấy tay ngoại, hay bởi bàn tay mềm mại kia giữ quá chặt đến nỗi anh chẳng thể gỡ ra một giây mà tiến đến cầm bàn tay nhăn nheo này.
 
Cậu mợ bán đàn lợn để làm chiếc nhẫn vàng lên trao hôm đám cưới cho thằng cháu và kiên quyết không dùng số tiền hôm nọ. Ngoại thẫn thờ vào ra, tính ngày anh đám cưới, dặn cậu mợ đủ điều về lễ nghĩa, thủ tục cần thiết. Rồi thở dài, ở xa như thế, làm sao ngoại đủ sức mà đi dự ngày vui của anh đây, phải chi, anh cứ gần ngoại như lúc bé.