Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khoảng trống trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đến Tết Nguyên đán, sức tiêu thụ rượu tăng mạnh cũng là thời điểm các loại rượu giả, rượu kém chất lượng được tung ra thị trường.

Mặc dù năm nào lực lượng chức năng cũng ra quân ngăn chặn nhưng số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng trong từng vụ vẫn ngày một tăng. Điều đó cho thấy vẫn còn khoảng trống trong việc chịu trách nhiệm giữa các lực lượng chức năng.

Ma trận rượu kém chất lượng

Sau sự cố ngộ độc mentanol khiến 6 người thiệt mạng do uống rượu mang nhãn hiệu "Rượu nếp 29 Hà Nội", lực lượng chức năng đã kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối rượu trên địa bàn Hà Nội, qua đó phát hiện nhiều DN sai phạm. Ngày 12/12, qua kiểm tra cơ sở sản xuất rượu của Công ty TNHH Rượu & Nước giải khát Việt Pháp tại 245 Mai Dịch, quận Cầu Giấy, cơ quan chức năng đã phát hiện thu giữ hơn 9.500 chai rượu vang Việt Pháp, sâm banh Việt Pháp, rượu hương nếp, rượu anh đào Việt Pháp và gần 4.000 chai chưa dán tem nhãn… không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Hoàng Minh Nhân, Giám đốc công ty thừa nhận: Để sản xuất ra lượng sản phẩm này chỉ cần 5 nhân viên đảm nhận tất cả các khâu. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: DN này không có giấy phép sản xuất rượu, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã hết hạn và hai sản phẩm chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng, một số sản phẩm ghi thiếu ngày sản xuất. Cơ quan chức năng đã tịch thu toàn bộ phương tiện máy móc, hàng hóa, xử phạt hành chính 60 triệu đồng.

 
Cán bộ QLTT Hà Nội giới thiệu cho NTD cách phân biệt rượu thật - giả tại Hội chợ hàng Việt 2013.Ảnh: Hoài Nam
Cán bộ QLTT Hà Nội giới thiệu cho NTD cách phân biệt rượu thật - giả tại Hội chợ hàng Việt 2013.Ảnh: Hoài Nam
Không những thế, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại rượu ngoại bị làm giả từ nước ngoài sau đó  nhập lậu vào thị trường Việt Nam và được bán ra tràn lan. Số liệu của Cục Quản lý thị trường (QLTT) (Bộ Công Thương) cho thấy, trong 11 tháng qua, lực lượng QLTT đã phát hiện, tịch thu 10.328 chai rượu nhập lậu; phối hợp với Hiệp hội Chống rượu giả quốc tế tại Việt Nam kiểm tra 30 địa điểm kinh doanh, thu giữ hơn 600 chai rượu ngoại giả được nhập khẩu vào Việt Nam.

Tăng cường quản lý thị trường

Ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Nghị định 38/NĐ - CP quy định chi tiết việc thi hành Luật An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp quy của DN và công bố phù hợp với quy định về ATTP, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện cho DN sản xuất rượu. Bộ Công Thương được giao cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh và kiểm tra sản phẩm lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: Trách nhiệm việc kiểm tra chất lượng rượu sau khi sản xuất thuộc về chính công ty sản xuất rượu và các địa phương theo thẩm quyền. Nguyên nhân do Bộ Y tế không đủ nhân lực, thời gian để kiểm tra.  Điều đó cho thấy, việc đùn đẩy cũng như chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa Bộ Công Thương và Bộ Y tế là một trong những kẽ hở khiến DN có cơ hội sản xuất, tiêu thụ rượu kém chất lượng, nhái nhãn mác.

Nhằm ngăn chặn rượu lậu, kém chất lượng lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra thị trường, trong đó tổng kiểm tra rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và nguyên liệu sản xuất rượu; Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ông Vương Trí Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Chi cục QLTT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch số 1955/KH-QLTT về việc kiểm tra thị trường trong những tháng cuối năm. Trong đó yêu cầu các đội QLTT đẩy mạnh việc kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm, đồ uống, chú trọng kiểm tra nguyên liệu đầu vào sản xuất những mặt hàng thực phẩm, rượu, nước giải khát… Chi cục còn yêu cầu 2 đội QLTT số 14 và 17 tập trung kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm VSATTP như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo… tại các làng nghề trên địa bàn huyện Từ Liêm, Hoài Đức.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả trong việc xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu lậu, rượu giả bên cạnh sự phối hợp giữa DN và các cơ quan quản lý là việc cần sớm phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu kiểm tra, cấp phép sản xuất giữa Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Điều này sẽ hạn chế tình trạng buông lỏng quản lý như hiện nay, qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 
Tổng cục Thuế vừa có thông báo mời thầu với gói thầu "In tem rượu sản xuất tiêu thụ trong nước" với trị giá gần 28,5 tỷ đồng, được trích từ Ngân sách Nhà nước. Hình thức chỉ định thầu đối với Công ty TNHH Một thành viên In Tài chính. Cùng với quy định, từ 1/1/2014, tất cả sản phẩm rượu mua bán, lưu thông trên thị trường Việt Nam đều phải dán tem thì hoạt động này nhằm kiểm soát, giám sát chất lượng mặt hàng rượu trong nước. (Thanh Hằng)