Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khóc cười với cổ phiếu ngành thép

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả kinh doanh kém tích cực là một trong những nguyên nhân khiến đa số cổ phiếu của các DN ngành thép liên tục đỏ sàn thời gian qua. Trong bức tranh ảm đạm sau mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2018 của nhóm ngành này, may mắn vẫn xuất hiện một vài ngôi sao hiếm hoi không làm nhà đầu tư thất vọng.

 Sản xuất thép tấm tại Công ty Siam Steel Viet Nam, khu Công nghiệp Hải Dương. Ảnh: Việt Linh

Lợi nhuận sụt giảm, cổ phiếu đỏ sàn

Thời gian qua, các cổ phiếu khác thuộc nhóm ngành thép có sự sụt giảm đáng kể do kết quả kinh doanh thiếu khả quan. Có những tuần như tuần từ 26/10 đến 2/11, nhóm cổ phiếu thép chiếm hơn một nửa ở top các mã chứng khoán giảm giá lớn nhất.

Cụ thể, kết quả kinh doanh sụt giảm của Công ty CP Thép Nam Kim (NKG) và Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Đi cùng với đà giảm mạnh của các chỉ số quý III/2018 của hai DN này là việc hai mã cổ phiếu NKG và HSG đỏ sàn rực rỡ. Theo thống kê của Vietstock, trong một tháng trở lại đây, cổ phiếu NKG giảm hơn 40%, HSG giảm 37,11%. Kết thúc tuần qua, NKG cũng giảm hơn 4% về mức 8.650 đồng/CP, HSG giảm gần 5% về 8.270 đồng/CP.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tốc độ tăng trưởng hầu hết DN thép trong quý III đều giảm so với hai quý trước đó. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, đẩy giá vốn tăng cao hơn mức tăng doanh thu đã khiến lợi nhuận DN thép bị giảm sút.
Ảnh hưởng của giá nguyên liệu tăng cao cùng những biến động không mấy tích cực của tỷ giá ngoại tệ đã khiến lợi nhuận sau thuế quý III của NKG chỉ còn 733 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 206 tỷ đồng. Đối với HSG, kết quả còn ảm đạm hơn, khi đại gia ngành thép này ghi nhận kết quả lỗ 102 tỷ đồng, trong khi quý III/2017 vẫn có lãi 200 tỷ đồng. Đáng chú ý là tính đến ngày 30/9/2018, nợ vay của HSG tiếp tục tăng, trong đó nợ vay ngắn hạn tăng từ 9.015 tỷ đồng lên 10.880 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn tăng từ 2.836 lên 3.462 tỷ đồng. Cùng cảnh thua lỗ hoặc lợi nhuận khiêm tốn là Công ty CP Thép Pomina (POM) và Công ty CP Thép Dana - Ý (DNY).

Trong bức tranh không mấy tươi sáng sau 3/4 chặng đường năm 2018 của ngành thép, vẫn có một vài đốm sáng hiếm hoi. Đó là HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát với mức lợi nhuận quý III/2018 là 2.401 tỷ đồng, tăng 12,2%. Cổ phiếu HPG được nhiều nhà đầu tư lựa chọn với triển vọng lâu dài.

Cổ phiếu thép còn hấp dẫn?

Theo các chuyên gia, quý III thường là thời gian thấp điểm trong tiêu thụ thép. Ngoài ra, việc thị trường bất động sản bão hòa về nhu cầu và việc giá nguyên vật liệu đi xuống buộc các DN phải giảm giá bán để kích thích tiêu thụ, trong khi giá thành nguyên liệu tồn kho ở mức cao. Đơn cử, tại Thép Việt Ý (VIS), việc kinh doanh dưới giá vốn trong quý III gồm tiêu thụ thép giảm mạnh, sức ép tồn kho tăng cao buộc các nhà máy sản xuất phải duy trì chính sách hỗ trợ hoặc giảm giá bán nhằm tăng sản lượng, giá nguyên vật liệu trong nước có xu hướng giảm xuống thấp hơn giá nguyên vật liệu thế giới, làm chênh lệch giữa giá bán phôi và giá phế liệu đầu vào không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân khiến DN này bị lỗ gộp 9,5 tỷ đồng sau 9 tháng, riêng quý III là lỗ gộp 25 tỷ đồng.

Có thể thấy, các tháng cuối năm, DN ngành thép vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Báo cáo đánh giá triển vọng của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, triển vọng mảng tôn mạ và ống thép hiện tại không khả quan như dự kiến. Giá tôn Trung Quốc bán tại Việt Nam mặc dù đã bị áp thuế nhưng vẫn thấp hơn khoảng 7% so với giá tôn nội địa. Trong khi nguồn cung đang dư thừa do các DN đầu ngành tăng mạnh công suất giai đoạn 2017 - 2018, kết hợp với việc bị chống bán phá giá ở nhiều nước trên thế giới khiến triển vọng ngành tôn mạ kém khả quan. Ngoài ra, tăng trưởng ống thép có dấu hiệu chậm lại và có thể đi vào trạng thái ổn định thay vì tăng trưởng nóng như 5 năm về trước.

Với các chỉ số này, BVSC đã điều chỉnh giảm 10% dự báo lợi nhuận của Hòa Phát xuống 11.701 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 28% về lợi nhuận trong năm 2019. Về dài hạn, BVSC vẫn duy trì triển vọng lợi nhuận lạc quan của Hòa Phát.

Còn các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt lại ghi nhận, nhiều công ty xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng đang đặt kỳ vọng vào Dự án Vincity - một Dự án bất động sản quy mô rất lớn. Bên cạnh đó, hoạt động của Dự án Thép Hòa Phát Dung Quất cũng là tin tốt cho nền kinh tế Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn. “Thành công hay thất bại của các dự án này sẽ có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô” - Báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt cho hay.