Khởi công Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích cấp quốc gia đền Hạ

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/12, huyện Ba Vì đã tổ chức khởi công Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đền Hạ. Đây là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và thuộc quần thể di tích Tản Viên Sơn Thánh (xã Minh Quang).

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
 Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đồng chí lãnh đạo TP tham gia khởi công Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đền Hạ.
Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đền Hạ nhằm đáp ứng mong đợi của người dân; không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn có ý nghĩa tâm linh. Dự án là sự cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng với quyết tâm tập trung tôn tạo và phục dựng những di tích quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử tạo tiền đề và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. 
Trong dự thảo Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" vừa được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khoá XVII) thông qua tại Hội nghị lần thứ 6, “du lịch văn hóa” cũng là một trong 6 lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm được Hà Nội xác định để phát triển công nghiệp văn hóa với mục tiêu đóng góp từ 4-5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vào năm 2025, tăng lên 7% vào năm 2030 và 10% vào năm 2045. 
Theo sách "Sơn Tây tỉnh địa chí" của Phạm Xuân Độ, đền Hạ gọi là Tây cung thờ Tam vị Thưởng đẳng: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương. Tương truyền, thủa nhỏ, ba anh em Sơn Tinh từ động Lăng Sương sang núi Ngọc Tản kiếm củi, nhiều hôm trời tối không về kịp, phải đốn cây rừng dựng lều ngủ lại. Sau khi được bà Ma Thị Cao Sơn ở núi Tản Viên di chúc để lại toàn bộ tài sản, Sơn Tinh về núi Ngọc Tản lập cơ nghiệp, dạy dân trồng lúa, trị thuỷ, chữa bệnh, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Về sau, Nhân dân đã xây dựng đền ngay tại nơi đây để thờ Ngài và gọi là đền Hạ để tưởng nhớ, ghi nhận công ơn.
 Các đại biểu tham dự lễ khởi công.
Đền Hạ có kiến trúc hình chữ Công, theo thế tựa lưng vào núi Ba Vì, quay mặt nhìn ra phía sông Đà. Ngoài sân có tấm bia đá ghi dòng chữ "Tản Viên từ ký" (ghi chép về đền thờ Tản Viên), dựng vào năm Tự Đức thứ nhất (1848) triều Nguyễn. Nội dung bia cho biết đền Hạ được xây dựng quy mô lớn, vua Tự Đức đã cấp 2.000 quan tiền để xây dựng Đền. Đền Hạ còn có tên gọi là "Đền năm dân" tức là do 5 dân (dân Trung Nghĩa thuộc Tổng Tu Vũ, dân Đồng Luận, Lương Khê, Đan Thê, Thạch Xá thuộc Tổng Lương Truyền) phụng thờ. 
Do được xây dựng cách đây cả trăm năm, chịu tác động của thời tiết, đền Hạ bị xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Năm 1993, Nhân dân địa phương và thập phương công đức đã thực hiện tu bổ đền Hạ, nhưng hiện nay công trình tiếp tục xuống cấp. Về giá trị, đền Hạ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 2008. Năm 2018, liên quan đến đền, tục thờ Viên Sơn Thánh được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
 Khu di tích đền Hạ.
Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đền Hạ được UBND TP Hà Nội phê duyệt, do UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư. Trước khi khởi công, dự án đã được thực hiện một phần nhờ kinh phí chủ yếu từ xã hội hóa. Phần chưa hoàn thành được khởi công thực hiện lần này có tổng mức đầu tư là gần 30 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Nhà mẫu, nhà tả hữu vu, nhà bia, nhà hòm đòn, nhà khách, nghi môn nội, hệ thống sân đường bãi đỗ xe. Đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH Mạnh Quân (trụ tại tại xã Cam Thượng, huyện Ba Vì). Thời gian thi công khoảng 1 năm và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/12/2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần