Hoạt động sôi nổi
Ngay từ những tháng đầu năm 2016, phân khúc thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã hoạt động rất sôi nổi với một loạt các dự án “khủng” được công bố ra thị trường. Từ Phú Quốc đến Vũng Tàu, Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh… các chủ đầu tư thay nhau "bung hàng" với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Chỉ tính riêng từ khu vực miền Trung trở vào (đến Phú Quốc), đã có khoảng 15 khu nghỉ dưỡng cao cấp được tái khởi động hoặc đầu tư mới, với khoảng trên 10.000 phòng khách sạn và biệt thự. Đáng chú ý là, mặc dù nguồn cung cực lớn, nhưng doanh số bán hàng tại các dự án căn hộ/biệt thự rất tốt, với 70 - 80% số căn chào bán được đặt mua.
Theo các chuyên gia của JLL (Công ty Nghiên cứu BĐS JLL Việt Nam), thị trường thời gian qua ghi nhận nhiều kết quả tích cực và phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chính vì vậy, sự gia tăng nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng phản ánh đúng nhu cầu của thị trường, đồng thời đánh dấu sự trở lại của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng.
"Lượng người quan tâm tìm hiểu và quyết định “xuống tiền” tại các dự án biệt thự nghỉ dưỡng ven biển tăng lên là nhờ vào chính sách bán hàng với nhiều ưu đãi từ các chủ đầu tư; chẳng hạn như: Cam kết lợi nhuận, hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi, được sử dụng miễn phí trong một thời gian nhất định..." - ông Stephen Wyatt - Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định, đồng thời cho rằng, việc cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam đã tác động tích cực đến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, hơn nữa giá cả tại phân khúc này khá mềm nếu so với các quốc gia láng giềng. Ví dụ, giá trung bình của dự án BĐS cao cấp tại Băng Cốc dao động từ 4.500 – 8.000 USD/m2, trong khi tại Jakarta là khoảng 3.000 – 4.000 USD/m2, gấp đôi giá tại Việt Nam (1.700 – 2.500 USD/m2).
Theo các chuyên gia, BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khi các rào cản pháp lý đang từng bước được gỡ bỏ. Bên cạnh đó, vẻ đẹp tự nhiên của Việt Nam cũng là một yếu tố hấp dẫn thu hút du khách và các nhà đầu tư.
Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt
Trao đổi với phóng viên, ông Jonathan Tizzard - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Định giá thuộc Hãng tư vấn Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, thời gian qua, các DN nội địa đang thực sự thống lĩnh thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Điển hình có thể kể đến những cái tên đình đám như Vingroup, Sun Group, FLC Group hay mới đây nhất là LDG Group và M.I.K Land… cùng các dự án có tổng đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, với các quy định mới về BĐS (đã được luật hóa - PV), bên cạnh những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư từ chính quyền địa phương các cấp, "nàng công chúa nghỉ dưỡng" đang thực sự thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, một số nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hồng Công (Trung Quốc)... đã bắt đầu có những động thái thể hiện sự quan tâm đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam với viễn cảnh lợi nhuận đầy hứa hẹn.
Chính vì vậy, trong tương lai không xa, các DN trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các DN nước ngoài, trước hết là về vốn, thiết kế, chất lượng cũng như quản lý xây dựng và vận hành. Dù vậy, theo ông Jonathan Tizzard, hiện tại các DN trong nước đang chiếm thế thượng phong bởi lợi thế am hiểu thị trường, tâm lý khách hàng, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài cần thời gian để nghiên cứu thị trường và xây dựng chiến lược phù hợp. "Đây chính là lúc các nhà phát triển dự án trong nước nên tận dụng thời cơ và lợi thế của mình để phát huy năng lực cạnh tranh nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao hơn, cạnh tranh được với các dự án của các nhà phát triển dự án nước ngoài" - ông Jonathan Tizzard nói.
Trong quá khứ, các dự án BĐS nghỉ dưỡng chủ yếu giới hạn trong sở hữu tư nhân với giá cả khá cao, nhưng hiện nay đã trở nên dễ tiếp cận với giá cả phải chăng và khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Do đó, ngay cả những khách hàng quan tâm đến các dự án trong phân khúc trung cấp vẫn có thể đầu tư. Ngoài ra, các nhà phát triển dự án ngoài việc đưa ra những ưu đãi hấp dẫn thì còn cam kết với khách hàng lợi nhuận đầu tư từ 8 - 8,5% tại một số dự án. Đây chính là điểm nhấn, hứa hẹn BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Khách hàng tham quan sa bàn một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Ảnh: Việt Tâm
|
Chuyên gia nhận định Lợi thế từ vị trí đến hệ thống hạ tầng Vị trí và sự kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi là những yếu tố tiên quyết làm nên sự thành công của một dự án BĐS nghỉ dưỡng ven biển - đó là nhận định của ông Nguyễn Nam Sơn - Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners, sáng lập viên Công ty BĐS Tanzanite International (Singapore). Theo ông Sơn, những nơi nằm trong bán kính 2 giờ đi xe hơi, xung quanh các đô thị lớn đều có tiềm năng phát triển rất nhanh. Chẳng hạn, tại các địa điểm du lịch biển nổi tiếng như Pattaya của Thái Lan hay Sentosa của Singapore, hoạt động du lịch và kinh doanh đều rất phát triển vì nằm trong vòng bán kính như vậy. Tại Việt Nam, khu vực phía Nam, điển hình có thể kể đến là Vũng Tàu. TP biển này đang thu hút tới hơn 16 triệu lượt du khách mỗi năm (gấp 4 lần số du khách tới Nha Trang hay Đà Nẵng), chính vì có vị trí thuận lợi là gần TP Hồ Chí Minh, trong phạm vi bán kính 2 giờ chạy xe. Theo tính toán, số người Việt có nhu cầu được nghỉ dưỡng tại các địa điểm 5 sao là khá lớn, nhưng Việt Nam chưa có nhiều các dự án BĐS ven biển thực sự tầm cỡ, (mỗi TP biển thường chỉ có 1 - 2 dự án). Theo dự báo, khoảng từ 5 - 7 năm tới, người Việt sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, và sẽ đạt mức khoảng 80 USD mỗi ngày. Khi đó, đa số mọi người sẽ muốn được nghỉ ngơi tại các khách sạn và resort cao cấp. Đây chính là thời điểm tốt nhất để tìm kiếm và phát triển các khu nghỉ dưỡng 5 sao mới. Gia Việt ghi
|