Là một trong những người khởi xướng triển lãm, họa sĩ Phạm Kim Chung - giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết: "Mỗi họa sĩ tham gia đều có cái nhìn về hội họa khác nhau, nhưng gặp nhau ở điểm chung là sự đam mê với chất liệu truyền thống". Qua nét vẽ "có nghề", các tác giả đã mang đến "đặc sản" mỹ thuật cho công chúng, bởi lâu nay dòng tranh vẽ chất liệu sơn ta chỉ còn lác đác xuất hiện trong dòng chảy mỹ thuật đương đại.
Tác phẩm "Tuổi thơ" của họa sĩ Phí Văn Công được trưng bày tại triển lãm
Đặc biệt, trưng bày tại triển lãm lần này có 3 bức vẽ sơn ta "đình đám" của cố họa sĩ Nguyễn Kim Đồng, thuộc thế hệ họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Như nhận xét của họa sĩ Bằng Lâm, học trò của họa sĩ Nguyễn Kim Đồng, cả 3 bức "Mai Châu", "Được mùa" và "Muôn phần" vừa hiện thực, vừa có tính trang trí, thể hiện rất rõ độ cầu kỳ, tinh tế của người cầm cọ khi vẽ tranh bằng chất liệu sơn ta (chọn lựa màu sắc, pha màu, mài sơn…).
Bên cạnh lớp họa sĩ kỳ cựu, các họa sĩ thế hệ sau cũng thể hiện sắc nét cá tính qua mỗi tác phẩm. Họa sĩ Văn Bảy mang tới "món" lạ với những mảng trống trong tranh không chỉ có duyên mà còn có ý, có tình. Trong khi họa sĩ Phí Văn Công lại góp thêm những sắc màu tuổi thơ anh từng có với "Tuổi thơ", "Mùa cá"…
Nguy cơ lép vế
Đứng trước những "đặc sản" của hội họa Việt, nhiều nhà mỹ thuật không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ về dòng tranh dùng sơn ta truyền thống. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương thừa nhận: "Những năm 30 đến những năm 60 của thế kỷ trước, nước ta chiếm thế thượng phong về sản xuất tranh sơn mài, và có "của độc" là tranh sơn mài chất liệu sơn ta. Thế nhưng, hiện nay, chỉ có 3 trường Mỹ thuật của Việt Nam đào tạo mảng sơn mài, cả nước có khoảng hơn 100 họa sĩ. Trong khi đó, năm 2007, Trung Quốc cử một họa sĩ sang nước ta học cách làm tranh sơn mài, nhưng hiện nay họ đã có hơn 10 trường đào tạo và có khoảng 700 họa sĩ theo môn nghệ thuật này. Điều này cho thấy, chúng ta đang dần bị lép vế ngay trong môn nghệ thuật vốn là thế mạnh của mình. Mặt khác, sơn mài giờ đây là một trong những chất liệu mà giới nghệ thuật quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên đang rất quan tâm".
Trong lúc, các nước trên thế giới đang kỳ công dò tìm kỹ thuật sơn mài, thì ở "cái nôi" của tranh sơn mài là nước ta, các họa sĩ lại ngày một xa rời thể loại truyền thống này. Ngại khó vì vẽ tranh bằng chất liệu sơn ta có thể hỏng ngay nếu họa sĩ "sai một li" trong thao tác, nên lớp họa sĩ trẻ hiện lại ưa dùng các loại sơn pha sẵn nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhàn hơn, nhưng độ bền và độ "nét", độ đặc sắc không thể sánh được với tranh sơn ta. Điều đáng buồn là người làm mỹ thuật Việt đang vô tình bỏ phí chất liệu mỹ thuật riêng biệt, có thể làm thành một dòng tranh mang thương hiệu Việt.