Theo chuyên gia kết nối khởi nghiệp online Phạm Vũ Hiệp, các trường đại học, cao đẳng nên có những chương trình, phương pháp giúp sinh viên hiểu rõ khởi nghiệp là gì. “Khởi nghiệp chính là khởi điểm nghề nghiệp của họ và bắt đầu từ cá nhân người đó làm” - ông Hiệp cắt nghĩa. Nếu cá nhân khởi nghiệp thì chưa nhất thiết phải mở DN. Khi một nhóm bạn bè cùng hợp tác, có thể bắt đầu bằng dự án được sự hỗ trợ của nhà trường hay DN nào đó. Nhưng điều quan trọng hơn là sản phẩm dịch vụ có mang lại giá trị cho chính họ, người xung quanh và xã hội thì mới nên DN.
Sinh viên khởi nghiệp muốn tránh được thất bại, trước hết xác định rõ mục tiêu, sản phẩm muốn làm. Bản kế hoạch triển khai thực hiện được làm chi tiết đến từng quý, tháng, thậm chí từng ngày, và có sự thống nhất làm mất bao nhiêu thời gian mới ra sản phẩm, chi phí hết bao nhiêu, sẽ gặp rủi ro gì. Đồng thời, luôn bám sát mục tiêu, nếu xa rời sẽ thất bại, phải làm lại từ đầu. Một điểm đáng lưu ý khi làm bản kế hoạch kinh doanh là phải biết sản phẩm của mình cũ hay mới, nếu trên thị trường đã có sẽ gặp khó khăn gì, chi phí tồn tại hết bao nhiêu. Thứ nữa, khi bạn khởi nghiệp phải có sự am hiểu về luật pháp, chẳng hạn như Luật Dân sự, Luật DN, luật và quy định về sản phẩm dịch vụ mà họ đang hướng đến.
Bản sắc và ý tưởng là yếu tố cần thiết để sinh viên khởi nghiệp thành công. Khi sản phẩm mang bản sắc riêng sẽ thu hút khách hàng đến với mình. Còn ý tưởng là động lực thúc đẩy sinh viên tiếp tục việc tự làm chủ của mình và có trách nhiệm với công việc một cách cao nhất. Sau đó họ tự có trách nhiệm với xã hội khi mang sản phẩm ra lưu thông ở ngoài thị trường. Nhiều người cho rằng, sinh viên học nhóm ngành kinh tế dễ khởi nghiệp hơn. "Học ngành nào khởi nghiệp cũng được nếu bạn có ước mơ, đam mê, lý tưởng, hoài bão. Điều quan trọng là các bạn xác định mình thích học cái gì thì theo đuổi nó. Khi bạn học ngành theo sự ép buộc của gia đình và mình không thích thì sớm hay muộn khởi nghiệp sẽ thất bại. Còn khi bạn có sự đam mê, cảm hứng với ngành mình học, dù 10 lần khởi nghiệp thất bại vẫn cảm thấy vui và 100 lần không thành công vẫn tiếp tục chiến đấu" - ông Phạm Vũ Hiệp chia sẻ.