Khởi nghiệp từ nước chấm cua đồng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý tưởng thương mại hóa món nước chấm cua đồng truyền thống đã giúp các em học sinh trường THCS Lê Bình (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp đầu đời. Bên cạnh đó, ý tưởng này còn góp phần nâng tầm món ăn dân dã, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Nhóm học sinh thực hiện dự án khởi nghiệp với nước chấm cua đồng. Ảnh: GVCC
Nâng tầm món ăn dân dã
“Nước chấm cua đồng” là một trong những dự án thuộc khối THCS gây chú ý nhất tại Chung kết cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia dành cho học sinh, sinh viên năm 2020. Đây là loại nước chấm được sản xuất và bảo quản theo công thức bí truyền của người dân vùng núi huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sản phẩm này được sử dụng để chấm hoặc làm gia vị, chế biến các món ăn địa phương.

Thầy giáo Đậu Thanh Quân, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lê Bình chia sẻ, sau khi nhà trường phát động cuộc thi khởi nghiệp, chúng tôi khá bất ngờ nhận được ý tưởng nước chấm cua đồng của các em học sinh. Bởi loại nước chấm này đã có ở Hương Sơn từ rất lâu đời, là món ăn thân thuộc của mỗi gia đình. “Nhu cầu sử dụng nhiều nhưng chưa có ai nghĩ tới sẽ xây dựng thương hiệu và thương mại hóa sản phẩm. Qua đó mới thấy được khả năng sáng tạo và nhanh nhạy với thị trường của các em học sinh” – thầy Quân bày tỏ.

Theo chia sẻ của Nga, nước chấm cua đồng là một món ăn dân dã từ nguyên liệu đến cách chế biến. Nguyên liệu chính gồm cua đồng bắt ở vùng núi Hương Sơn kết hợp với các gia vị như hành tăm, nghệ, muối, tỏi và đặc biệt nhất là vỏ quả quất (tắc). Cách chế biến cũng khá đơn giản, sau khi điều chế, nước chấm cua đồng được ngâm, ủ trong vòng một tháng ở nhiệt độ 30 - 35oC là có thể đem ra sử dụng. Đặc biệt, sản phẩm không có chất bảo quản, rất an toàn cho người dùng. Từ trước tới nay, người dân ở Hương Sơn vẫn sản xuất và bán cho nhau nhưng sản phẩm không có nhãn mác, không đăng ký thương hiệu. Vì vậy, để thương mại hóa sản phẩm, điều đầu tiên cả nhóm vạch ra là cần nâng tầm món ăn. Cụ thể, phải xây thương hiệu, có nhãn mác, quy trình sản xuất và bao bì chuyên nghiệp.

Cần người chắp cánh

Chia sẻ về dự định sắp tới của cả nhóm, Nga cho biết không chỉ dừng lại ở ý tưởng trong một cuộc thi, mục đích của nhóm là thành lập được cơ sở sản xuất nước chấm từ cua đồng Hương Sơn, đảm bảo chất lượng, trở thành đặc sản của địa phương, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cả nhóm gồm 5 học sinh (3 học sinh lớp 8 và 2 học sinh lớp 7) cũng vạch ra kế hoạch sẽ liên kết vùng nuôi cua nguyên liệu để tận dụng đất bỏ hoang và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Vì vậy, thành công của dự án còn góp phần giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái đồng ruộng.

Để hiện thực ý tưởng, nhóm đã nhận được sự hỗ tích cực từ phía nhà trường trong việc đưa sản phẩm đi phân tích chất lượng của Sở Y tế, đăng ký thương hiệu. Sau thành công của cuộc thi, hiện nay nhóm đã sản xuất và bán hàng trên các diễn đàn Facebook, zalo… nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng nhận được một số đơn đặt hàng lớn.

Tuy nhiên theo Nga, cái khó của cả nhóm hiện nay chính là thiếu vốn, thiếu kiến thức thị trường, kỹ năng vận hành cơ sở. Đặc biệt hiện nay, phương thức sản xuất thủ công đang hạn chế về số lượng sản phẩm, vì vậy rất cần sự đồng hành của các DN trong việc liên kết chuyển giao công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn. Xa hơn nữa là có thể đưa mô hình này vào sản xuất quy mô lớn, trở thành một ngành nghề của địa phương để bà con có thêm thu nhập.
Dự án nước chấm cua đồng là 1 trong 3 ý tưởng xuất sắc nhất của khối THCS tại cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia dành cho học sinh, sinh viên năm 2020. Dự án cũng xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của học sinh, sinh viên tỉnh Hà Tĩnh năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần