Theo thống kê, trong năm 2015, chỉ tính riêng trong lĩnh vực công nghệ, đã có 67 DN khởi nghiệp nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, cao hơn 2,4 lần so với 2014. Trong đó nhiều dự án nhận được tiền “khủng” như Huy Việt Nam với 15 triệu USD hay Cốc Cốc được rót tới 14 triệu USD.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong khởi nghiệp, ông David Thorne, cố vấn cao cấp Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, các DN đi lên từ lĩnh vực này luôn chiếm phần quan trọng đối với nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Đơn cử như ở Mỹ, trong vòng 25 năm qua, sự tăng trưởng việc làm ở khối DN tư nhân hầu hết đều đến từ các DN có tuổi đời nhỏ hơn 5.
Những con số trên cho thấy Việt Nam hiện là thị trường đầy tiềm năng cho khởi ngiệp. Chính CEO Google, Sundar Pichai cũng từng khẳng định điều này trong chuyến thăm Việt Nam vào hồi cuối 2015. Theo ông, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “lò khởi nghiệp” của thế giới nếu biết cách hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhận được sự hỗ trợ cần thiết ở trong nước.
Tuy nhiên, theo ông David Thorne, khởi nghiệp Việt Nam đang gặp phải nhiều hạn chế do đó chưa phát triển đúng với khả năng. Hiện Việt Nam chưa chính sách hỗ trợ cũng như quy trình đầu tư mạo hiểm để các quỹ dạng này phát huy hiệu quả, ông David Thorne nêu ra ví dụ. Được biết số tiền đầu tư cho các dự án khởi nghiệp chủ yếu đến từ 2 nguồn chính, gồm các DN lớn và những quỹ đầu tư mạo hiểm.
Việt Nam có dân số trẻ, giàu ý tưởng, tài năng và nhiệt huyết nhưng để những tiềm năng này có thể phát triển cũng cần có những chính sách cụ thể về tài chính, giáo dục, sở hữu trí tuệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu … để hỗ trợ, cố vấn cao cấp Ngoại trưởng Mỹ đưa ra lời khuyên dựa trên những bài học được rút ra từ sự phát triển của lĩnh vực khởi nghiệp ở nước này.
Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, trong những năm qua, Bộ này đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam như khuyến khích tư nhân thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển vườn ươm công nghệ …
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm sớm xây dựng xong hành lang pháp lý về đầu tư mạo hiểm cũng như các chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp. Đặc biệt sẽ sớm đưa vào triển khai đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp DN đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó lấy DN khởi ngiệp làm trọng tâm, Thứ trưởng chia sẻ thêm.
Với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, vai trò của cộng đồng DN lớn mạnh là rất quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp. Chính vì vậy về phía Nhà nước sẽ cố gắng hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ tốt nhất về mặt pháp lý cũng như tài chính cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, Thứ trưởng khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Tùng, trong năm 2016, Bộ KH&CN tăng cường hợp tác với phía Mỹ trong lĩnh vực KH&CN, qua đó tạo điều kiện lớn hơn nữa cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Được biết, một phần trong sự hợp tác này là phía Mỹ sẽ giúp các dự án khởi nghiệp của Việt Nam tiếp cận với những nhà đầu tư tiềm năng cũng như DN lớn có thể hiện thương mại hóa công trình nghiên cứu KHCN.
VNG - DN khởi nghiệp thành công nhất Việt Nam đang được định giá trên 1 tỷ USD
|
Các hỗ trợ đáng chú ý từ chính sách đối với khởi nghiệp tại Việt Nam: |