Ngày 20/7, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2017 các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 88.564 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bằng 93,71% so với cùng kỳ 2016; nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và thanh, kiểm tra, truy thu thuế gần 7.950 tỷ đồng, tăng tới 40,44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vận chuyển sừng tê giác trái phép đã bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ. |
Trong đó, lực lượng Hải quan xử lý 11.249 vụ; cơ quan Thuế xử lý 23.095 vụ; lực lượng Công an xử lý 5.801 vụ; Biên phòng xử lý 2.012 vụ... Đáng chú ý, các lực lượng chức năng đã khởi tố hình sự 1.189 vụ việc với 1.372 đối tượng liên quan. Điển hình là vụ bắt 2 đối tượng vận chuyển trái phép 30 bánh heroin và 45 kg ma túy tổng hợp tại Nghĩa Hưng, Nam Định; vụ bắt giữ 26 kg sừng tê giác, 6 kg ngà voi tại Hà Nội; vụ bắt giữ 7.800 bao thuốc lá ngoại nhập lậu tại Long An; vụ kiểm tra, bắt giữ 1.936 kiện hàng hóa là pháo, quần áo, giày dép, phụ tùng ô tô không có hóa đơn chứng từ vận chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới đường bộ, đường không, đường biển, bưu điện quốc tế và cả ở nội địa vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới đường bộ, hàng hóa vi phạm đa dạng, trong đó tập trung vào hàng hóa có thuế suất cao, hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành như: rượu ngoại, thuốc lá, đồ điện tử; mỹ phẩm... Đặc biệt, các lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ việc vận chuyển hàng cấm như ma túy, động vật, sản phẩm hoang dã quý hiếm; hàng điện tử đã qua sử dụng...
Đối với tuyến biển, cảng sông quốc tế tình trạng buôn lậu xăng dầu, khoáng sản vẫn nóng bỏng, nhất là khu vực biển thuộc các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Trà Vinh, Kiên Giang...
Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế hàng hóa vi phạm tập trung vào các mặt hàng nhỏ gọn nhưng có trị giá lớn như ma túy, động vật hoang dã quý hiếm, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà... Ở nội địa, việc buôn bán, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... vẫn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ rõ một số địa bàn nóng về tình trạng này trong đó có 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xác định, tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia; tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, xăng dầu; chỉ đạo và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, phương án tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực quản lý của mình, xác lập các chuyên đề, chuyên án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, hiệu quả...