Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khốn khổ với hàng xóm quái đản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Đang đêm gã hàng xóm bật nhạc sàn inh ỏi. Thiu ngủ được một tí gã lại ném gạch lên mái tôn. Lúc lại vứt rác, tiểu bậy sang nhà hàng xóm... Ai cũng tức anh ách nhưng chẳng ai dám làm gì", chị Thơm (42 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.

Chị Thơm là dân ngoại tỉnh, chuyển về làng bún Phú Đô sống được hơn chục năm nay. Đối diện nhà chị có một gia đình 4 thế hệ nhưng đều sống dựa vào bà lão 80 tuổi. Mấy gã đàn ông trong nhà này không có việc làm, đời cha, đời con đều bị vợ bỏ vì không thể chịu nổi tính khí khác người của họ.

"Vì không có việc làm nên mấy người đàn ông trong nhà đó sinh ra trộm vặt. Nhưng làng xóm không sợ điều đó mà sợ những 'chiêu bẩn' của chúng như hất nước, vứt rác, tiểu bậy, săm soi... Không hiểu mấy hôm nay nhà đó kiếm đâu ra bộ loa đài, bật nhạc hết cỡ. Sáng sớm chủ nhật, gia đình tôi vẫn còn thiu ngủ đã bừng tỉnh bởi tiếng nhạc sàn inh ỏi. Từ 8h sáng đến 3h chiều hôm đó, cả xóm bị tra tấn", chị Thơm kể.

Khốn khổ với hàng xóm quái đản - Ảnh 1
Không ít gia đình đang phải khốn khổ bởi sống cạnh hàng xóm quái đản, thích trêu ngươi mà không dám làm gì. Ảnh: bankoftheinternet.com.

Quỳnh - sinh viên năm nhất ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, sống sát nhà hàng xóm quái đản trên - cho biết cô luôn phải sống trong sợ hãi, cẩn thận. Hễ ra ngoài là phải cất hết đồ đạc có giá trị vào tủ. Ngay cả khi ngủ trưa, đi vệ sinh cũng phải khóa cửa đề phòng bị trộm.

Dù vậy, cô cũng đã phải lĩnh đủ trò quậy phá. "Tai họa đầu tiên là hai bộ quần áo mới mua phơi trên trần bị đốt. Sau đó là rác, gạch bay xuống bể cá nhà em. Có đêm anh ta còn đốt giẻ rách ném xuống mấy chiếc xe máy dưới sân", Quỳnh kể.

"Chỉ khổ cho trường mẫu giáo bên cạnh. Mấy gã này thường lựa thời điểm buổi trưa lũ trẻ chuẩn bị ngủ để bật nhạc. Các cô giáo sang nhắc nhở thì họ tắt đi được một tẹo lại bật lên trêu ngươi. Không ít hôm 10h đêm rồi nhà đó còn bật nhạc không cho xóm ngủ".

Những lần ấy, nhóm sinh viên chỉ biết cầu cứu ông bà chủ qua nhắc nhở. Nhưng bẵng đi một thời gian, hắn lại nghĩ ra chiêu mới. "Cũng may là hắn không có mấy trò khiêu dâm bệnh hoạn nếu không em cũng chuyển đi rồi", Quỳnh kể.

Dù vậy Quỳnh cho biết cô chỉ ở trọ, nên có thể chuyển đi bất cứ khi nào muốn, chỉ tội những người hàng xóm định cư xung quanh, muốn đi cũng không dễ, đành "ẩn cư, không dây dưa với hắn". Mọi người đều nâng cao tinh thần cảnh giác, thậm chí làm lại hệ thống cửa, giăng lưới thép để phần nào giảm bớt những gã đó sang quấy phá.

Không khá hơn những người trên, chị Thảo (hồ Thành Công, Hà Nội) thường phải điên đầu với anh hàng xóm "AQ". Chị kể xóm chị toàn là công nhân, viên chức, cuộc sống yên tĩnh. Anh họa sĩ này mới chuyển đến nhưng đã kịp làm đảo lộn cả xóm. Cứ đêm đến là anh đứng từ tầng cao ném rác bình bịch xuống lòng đường. Gần như ngày nào anh cũng tụ tập bạn bè, hò dô inh ỏi khiến cả xóm bị "ô nhiễm âm thanh".

"Khổ nhất là mỗi khi họ hát karaoke. Phòng thì không có cách âm, mà loa đài thì bật hết cỡ. Không biết họ vô ý hay chủ định chọc tức mọi người mà hôm nào cũng hát. Toàn giọng 'nghiệp dư' rên rỉ tra tấn làng xóm. Nhà tôi cách đó vài nhà mà mỗi khi họ hát, đập kèn, đập trống lại tưởng như nhà sắp sập", chị Thảo cho biết.

Cả xóm đã phải họp góp ý, nhưng chỉ đều nhận được những lời thách thức, chửi bới. Cuối cùng họ báo cáo lên tổ dân phố, công an phường. Lần đầu anh họa sĩ còn đến, những lần sau thoái thác cho vợ con đi. "Chúng tôi phải làm rắn với họ, nhờ sự can thiệp từ chính quyền nên giờ có vẻ họ cũng bớt ầm ĩ hơn. Nghe đâu, họ cũng chỉ là thuê trọ, chắc cũng không ở lâu dài được", chị Thảo nhẹ nhõm nói.

Chị Hương, Cầu Diễn, Hà Nội cũng từng khổ sở vì hàng xóm, khi thuê nhà trong một khu sạch sẽ, dân trí cao ở Dịch Vọng, Cầu Giấy. Nguyên nhân là khói than tổ ong của nhà hàng xóm thuộc diện nghèo nhất khu, đều đặn sáng tối được quạt thẳng sang nhà chị. Có con nhỏ nhưng lúc nào chị cũng phải đóng cửa kín mít, bật đèn. Chị sang góp ý người này đổi giờ quạt than, hoặc mang lò ra chỗ thoáng gió quạt thì được đe dọa sẽ "tặng" than tổ ong bay nếu không "biết điều". Rút cục, gia đình chị đành "bỏ của chạy lấy người", chuyển đi nơi khác.

Nỗi sợ hàng xóm Chí Phèo ám ảnh đến mức chị Hương khi mua nhà đã quyết định chọn căn góc, ở tầng trên cùng của một chung cư, để "tránh được càng nhiều va chạm với hàng xóm càng tốt", chị nói.