Không ít người vợ rơi vào cảnh chán nản và cô đơn triền miên cũng chỉ vì những ông chồng quá thờ ơ với gia đình. Một người phụ nữ có chồng thuộc diện có tiền, có địa vị xã hội, tuy nhiên thời gian của anh dành hết cho công việc và những buổi tiệc tùng nên chẳng biết chuyện nhà như thế nào, bởi quan điểm của anh là "mang tiền về đã là quá đủ, còn đòi hỏi gì hơn nữa". Chị tiêu tiền không cần nghĩ, nhưng mong ước nhỏ nhoi về những bữa cơm tối chung vui cả gia đình thì mãi không thực hiện được. Chị nhiều khi chỉ ước anh ấy mang về ít tiền thôi cũng được nhưng anh ấy ở nhà nhiều hơn.
Chuyện những người chồng vô tình hoặc cố ý trở thành "khách trọ" đặc biệt trong nhà mình không còn là chuyện hiếm. Nguyên nhân có nhiều, do bản tính đơn thuần, do tính chất công việc quá bận rộn, hoặc còn do quan niệm “nội trợ là việc của phụ nữ”… Nhưng cũng chính bởi vậy đã vô tình đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu của gia đình, thiếu thời gian để lắng nghe, chia sẻ và thông cảm cho nhau.Chồng là trụ cột, là chủ gia đình, quan niệm này khiến không ít người đàn ông cho rằng, họ chỉ lo việc xã hội, không phải những chuyện “vặt” của bếp núc. Một người phụ nữ than thở, sau một ngày làm việc bận rộn, hết giờ hành chính, chị lại tất bật với việc nhà và dạy dỗ con cái, trong khi chồng chị hết giờ hành chính là ngồi chơi game, đọc báo. Mọi lo toan lớn nhỏ trong gia đình anh không bao giờ can thiệp, bởi "đấy là việc vợ phải quán xuyến". Ngay cả việc đơn giản nhất là chơi với con anh cũng cảm thấy mệt mỏi. Anh lại ham vui, bạn bè gọi là có mặt để nhậu nhẹt hay buôn chuyện, lúc đó thực sự anh không còn biết đến gia đình, vợ con là gì. Chị cứ tự hỏi: "Không biết những người như chồng chị cảm thấy sao khi tự mình làm mất giá trị của mình trong gia đình".Thực tế, công việc tề gia nội trợ trong gia đình không của riêng ai, trong gia đình, vợ chồng và các thành viên khác đều phải có trách nhiệm chung. Điều đáng mừng là ngày nay hiện tượng chồng rửa bát, nấu cơm, giặt giũ quần áo cho vợ lúc bận rộn đã không còn là chuyện hiếm... Tính tự giác chia sẻ cùng nhau công việc trong nhà cũng như tình cảm của mọi người trong gia đình là cơ sở để hoàn thành mọi công việc, nuôi dưỡng nét văn hóa “thuận vợ thuận chồng”. Đây cũng là yếu tố giúp cho người phụ nữ thực hiện vai trò xã hội của họ. Nếu trong mỗi người không tự ý thức được điều đó thì cho dù có hô hào bao nhiêu đi chăng nữa, trên thực tế người phụ nữ vẫn bị trói chặt trong gia đình.Một người đàn ông vẫn được bạn bè ngưỡng mộ là “người chồng hoàn hảo” đã chia sẻ. Để không quá áp lực cho vợ sau một ngày làm việc căng thẳng ở công sở, anh luôn xắn tay cùng vợ lo mọi việc nhà, con cái để sau bữa ăn, cả hai đều có thời gian rảnh để vui chơi, trò chuyện với con, thăm hỏi người thân. Anh chia sẻ: “Thời nay, vợ chồng không còn “ai là số một” nữa, mà ai cũng có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, con cái. Sự đóng góp của cả hai vợ chồng vào kinh tế gia đình, vào việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm của mình đều cần thiết và quan trọng như nhau”.Nhiều chuyên gia tâm lý đã chia sẻ: Trong cuộc sống hiện đại, với suy nghĩ hiện đại, quan điểm phụ nữ chỉ lo chuyện nội trợ trong gia đình, đàn ông gánh vác việc xã hội và là trụ cột kinh tế của gia đình đã thay đổi nhiều. Bây giờ, phụ nữ cũng tích cực tham gia công tác xã hội và trong số đó, có không ít người đã trở thành trụ cột kinh tế chính của gia đình. Ngoài trách nhiệm với gia đình, họ còn có nhu cầu thăng tiến trong nghề nghiệp nên thời gian họ dành để học tập, trau dồi và bổ sung kiến thức, chiếm một thời lượng không nhỏ. Vì thế có người chồng thông cảm, biết chia sẻ công việc nhà với mình, người phụ nữ sẽ cảm thấy an tâm hơn trong công việc cũng như cuộc sống.“Chia sẻ việc nhà cũng là hạnh phúc”, câu nói ấy không phải là sáo ngữ. Bởi mối quan hệ và sự sẻ chia của hai vợ chồng là vấn đề mấu chốt để có được hạnh phúc gia đình. Do đó, cùng lo toan, cùng dành thời gian dành riêng cho hai người để chia sẻ công việc, an ủi, vun trồng thêm tình yêu sao cho ngày càng gắn bó nhau hơn cũng là điều rất quan trọng trong cuộc sống.