Trước đó, vào ngày 6/1, Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 211/BTC-TCDN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về về việc các bộ, địa phương thực hiện báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016.
Theo Bộ Tài chính, Khoản 1.k Điều 12 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm lập Báo cáo kết quả giám sát tài chính định kỳ 6 tháng đối với doanh nghiệp Nhà nước gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/8 của năm báo cáo (kèm theo báo cáo giám sát tài chính của từng doanh nghiệp).
Khoản 1.b Điều 35 Nghị định số 87 quy định bộ quản lý ngành tổng hợp kết quả giám sát 6 tháng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/7 của năm báo cáo; UBNDN cấp tỉnh tổng hợp kết quả giám sát tài chính sáu 6 tháng và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/7 của năm báo cáo.
Ngày 3/11/2016, Bộ Tài chính đã có công văn số 15700/BTC-TCDN gửi các cơ quan đại diện chủ sở hữu (bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) về việc đôn đốc thực hiện nộp báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016 và hằng năm theo các quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và Thông tư số 200/2015/TT-BTC.
Tại công văn này, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016 về Bộ Tài chính trước ngày 25/11/2016. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2016, vẫn còn 31 cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016 về Bộ Tài chính (trong đó có 9 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 22/63 địa phương chưa gửi báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016 về Bộ Tài chính).
Đối với các bộ, địa phương đã nộp báo cáo thì hầu hết đều lập, gửi tới Bộ Tài chính chậm so với quy định nêu trên và chậm so với cả công văn đôn đốc mà Bộ Tài chính phát đi vào ngày 3/11/2016. Chỉ có 10 đơn vị lập báo cáo trước ngày 31/8/2016.
Qua rà soát các cơ quan đã nộp, Bộ Tài chính cho biết một số đơn vị thực hiện báo cáo kết quả giám sát tài chính chưa đầy đủ như: Có lập biểu kết quả giám sát tài chính theo Biểu số 03 tại Thông tư số 200/2015/TT-BTC nhưng không nhận xét đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp theo các nội dung quy định tại Điều 9 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, hoặc không gửi kèm theo báo cáo giám sát của từng doanh nghiệp nhà nước; không đưa ra ý kiến, kết luận "An toàn" hay "Có dấu hiệu mất an toàn về tài chính"; chưa có đầy đủ số liệu của doanh nghiệp…
Trước tình trạng trên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Công văn số 204/TTg-ĐMDN ngày 9/2/2017 về việc báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016 yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm điểm nghiêm túc việc không thực hiện báo cáo, báo cáo chậm, báo cáo không đúng mẫu quy định báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2017.
Các bộ, địa phương gửi báo cáo về Bộ Tài chính theo đúng quy định; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2017.
Các cơ quan trên xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không nộp, nộp không đầy đủ, không đúng hạn các báo cáo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2017; xử lý người đứng đầu doanh nghiệp để thua lỗ theo quy định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố không thực hiện báo cáo giám sát theo quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng; đề xuất Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của 425 doanh nghiệp trên cơ sở các báo cáo kết quả giám sát tài chính do các cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi Bộ Tài chính và báo cáo giám sát do các doanh nghiệp gửi Bộ Tài chính (đối với các trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính).
Cụ thể, về kết quả kinh doanh: Tổng doanh thu là 431.417.950 triệu đồng (trong đó: Khối bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 358.608.484 triệu đồng, chiếm 83,1%; khối địa phương là 72.809.466 triệu đồng, chiếm 16,9%).
Lợi nhuận thực hiện là 37.461.697 triệu đồng (trong đó: Khối bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 29.668.924 triệu đồng, chiếm 79,2%; khối địa phương là 7.792.773 triệu đồng, chiếm 20,8%); tỉ suất lợi nhuận thực hiện trên tổng doanh thu là 8,68%.
Nộp ngân sách Nhà nước là 56.296.565 triệu đồng (trong đó: Khối bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 37.590.742 triệu đồng, chiếm 66,8%; khối địa phương là 18.705.823 triệu đồng, chiếm 33,2%).
Trong tổng số 425 doanh nghiệp có 22 doanh nghiệp được cơ quan đại diện chủ sở hữu đánh giá Có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, chiếm tỉ lệ 5,1% (trong đó: Có 10/86 doanh nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ mất an toàn về tài chính, chiếm tỉ lệ 11,6%; có 12/339 doanh nghiệp thuộc địa phương mất an toàn về tài chính, chiếm tỉ lệ 3,5%).