Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không cần cọ sát?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ có thể nói như vậy khi vừa qua thể thao Việt Nam đã từ chối tham dự hai cuộc thi quốc tế.

Một là khi bóng bàn Việt Nam không tham dự giải Vô địch thế giới sẽ diễn ra tại Pháp từ ngày 13-20/5/2013. Hai là việc dù được Liên đoàn điền kinh châu Á mời đích danh 6 VĐV thì chỉ có 1 VĐV dự giải 
 
Liên đoàn điền kinh châu Á mời đích danh 6 VĐV: Vũ Thị Hương (100m nữ), Quách Thị Lan (400m nữ), Đỗ Thị Thảo (800m nữ), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao nữ), Nguyễn Văn Lai (5.000m nam) và Nguyễn Văn Hùng (nhảy 3 bước nam). Ban đầu, bộ môn điền kinh của Tổng cục TDTT đã dự tính chỉ cử Vũ Thị Hương, Đỗ Thị Thảo và Dương Thị Việt Anh dự tranh, với tổng chi phí khoảng 5.000 USD cho 3 chặng đấu ở Thái Lan và Sri Lanka. Tuy nhiên, cuối cùng thì chỉ có 1 VĐV, 2 người còn lại được thông báo là không dự giải do tái phát chấn thương trong lúc luyện tập.
 
Không cần cọ sát? - Ảnh 1
 
Đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã có quyết định tập trung từ ngày 5/4 đến hết ngày 25/5 với hai HLV (Nguyễn Đức Long và Vũ Mạnh Cường)  và năm VĐV gồm: Trần Tuấn Quỳnh (Hà Nội T&T), Đào Duy Hoàng (PetroVietNam), Đinh Quang Linh (Quân Đội), Nguyễn Thị Việt Linh (Bộ Công An), Mai Hoàng Mỹ Trang (Thành phố Hồ Chí Minh). Những VĐV có tên trong danh sách đều được yêu cầu nộp hộ chiếu để làm visa đi Pháp.
 
Thế nhưng, ngay sau khi giải bóng bàn vô địch toàn quốc vừa kết thúc tại Lâm Đồng, các CLB và các VĐV đã rất bất ngờ trước thông tin bóng bàn Việt Nam đã bị hủy kế hoạch tham dự giải đấu này. Nguyên nhân được người trong cuộc cho biết, do trình độ bóng bàn Việt Nam yếu kém và đặc biệt là việc tham dự giải sẽ rất tốn kinh phí. Trưởng bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) Nguyễn Đức Long cho biết: “Năm nay, vấn đề chính là chuẩn bị cho SEA Games, hơn nữa còn phải căn cứ vào nguồn kinh phí cân đối để làm sao tham gia giải nào cho hiệu quả. Thực tế, giải bóng bàn thế giới, đội Việt Nam tham gia chỉ mang tính cọ xát. Trước khi bước vào SEA Games sẽ có cuộc thi đấu ở giải bóng bàn châu Á. Tham dự giải này sẽ tốt hơn”.
 
Cũng gần như vậy, đại diện của bộ môn điền kinh cũng lý giải quyết định này chủ yếu là do thiếu kinh phí, trọng tâm của điền kinh trong năm dồn cho SEA Games 27 ở Myanmar, nên không đặt nặng đến sân chơi châu lục. Theo tính toán của bộ môn, với việc không cử 2 VĐV và 1 HLV tham dự giải, sẽ tiết kiệm chi phí được khoảng 5.000 USD. Hơn nữa, việc VĐV bị chấn thương là bất khả kháng. Nếu cử VĐV như dự kiến, nếu bị chấn thương không tham dự được SEA Games 27 thì ai chịu trách nhiệm? Vì thế, điền kinh Việt Nam sẵn sàng chấp nhận án phạt từ Hiệp hội điền kinh châu Á (dự kiến khoảng 3.000 USD). Trong khi đó,  Liên đoàn điền kinh lại cho rằng, lý do thiếu kinh phí bộ môn đưa ra là không thuyết phục. Việc tham dự Grand Prix châu Á là cơ hội để các VĐV chuẩn bị cho SEA Games 27.
 
Cũng theo nhận định của các chuyên gia thì việc Liên đoàn bóng bàn Việt Nam giải thích không tham dự Giải bóng bàn vô địch thế giới tại Pháp để tập trung tài chính và lực lượng cho SEA Games là không thỏa đáng. Một số CLB lại khẳng định Liên đoàn bóng bàn Việt Nam đã đăng ký chậm, khiến toàn bộ các VĐV mất cơ hội tham dự giải đấu hàng đầu này. Để tham gia giải đấu này, các liên đoàn thành viên phải đăng ký danh sách VĐV từ trước 3 tháng trong khi đó đến tháng 4 vừa qua, Liên đoàn bóng bàn Việt Nam mới làm thủ tục đăng ký dự giải. Trong thực tế, bóng bàn Việt Nam đã có những lần bỏ cuộc tại các giải đấu lớn do không nắm được lịch thi đấu dù đã đến địa điểm thi đấu!?
 
Dù thế nào, việc 2 môn có phong trào phát triển rộng lớn cả nước như bóng bàn, điền kinh bỏ giải  không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của VĐV mà cả những môn thể thao đại chúng này. Các VĐV mất cơ hội để học hỏi, cọ xát với các đối thủ mạnh trên thế giới, tích lũy kinh nghiệm chuẩn bị cho SEA Games 27, diễn ra tại Myanmar cuối năm nay. Đó là chưa kể, việc không cử VĐV tham dự như kế hoạch, sẽ làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của điền kinh Việt Nam hay việc các tay vợt Việt Nam sẽ bị trừ điểm trên bảng xếp hạng.