Lãi vay “quét sạch” lợi nhuận Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM cho hay, khó khăn hiện nay của DN chính là sức mua của thị trường quá yếu. Điều này dẫn tới việc DN tồn kho một lượng lớn nguyên liệu, hàng hóa. Ngoài ra, theo ông Mười, lãi suất áp dụng tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á và đang “hủy diệt” DN một cách khủng khiếp. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là đến năm 2015, khi các nước ASEAN trở thành một thị trường chung thì DN Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. “Ngân hàng cần phải nhanh chóng xem xét nợ đọng để khoanh nợ lại. Cần phải có biện pháp kích thích thị trường, tạo ra hàng hóa có giá thành thấp để thu hút người tiêu dùng”, ông Mười nói. Tổng giám đôc Ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước đưa ra con số để chứng minh lượng hàng tồn kho của DN quá lớn. Theo đó, Eximbank thống kê 42% DN vay vốn tại đây và kết quả cho thấy giá trị hàng tồn kho của DN gấp đôi dư nợ. Ông Phước nói: “Hàng tồn kho như tảng băng chìm dẫn tới nợ xấu của DN. Không làm vỡ tảng băng này thì cả ngân hàng, DN đều gặp khó khăn”. Phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam Võ Quốc Thắng cho biết việc lãi suất trên 20%/năm kéo dài mấy năm gần đây đã quét sạch lợi nhuận tích cóp của DN trong vòng 5-10 năm. Chưa kể, chi phí sản xuất của DN bị đẩy cao một phần do thủ tục hành chính. Là thành viên xây dựng Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính nhưng nhiều lần DN của ông Thắng cũng bị hành về mặt giấy tờ, thủ tục. Nhanh chóng giảm nợ, giãn nợ Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho hay trong thời gian qua ngân hàng này đã tiến hành cơ cấu lại số nợ 1.500 tỉ đồng; giảm lãi suất nợ cũ 8.000 tỉ đồng về mức 15%/năm; tung gói hỗ trợ cho vay 2.000 tỉ đồng với lãi suất 13%/năm, đến nay đã giải ngân được 1.700 tỉ đồng. Từ đây đến cuối năm, Sacombank tiếp tục tung ra gói hỗ trợ cho vay hơn 1.000 tỉ đồng với lãi suất 13-15%/năm. Ông Trương Văn Phước cho biết Eximbank đã khoanh nợ, giãn nợ hơn 3.000 tỉ đồng cho hơn 600 DN. Một số DN được giãn nợ từ 1-2 năm, thậm chí có trường hợp lên đến 6-7 năm. Eximbank cũng đã giảm lãi suất xuống còn 15% đối với phần lớn các khoản vay cũ. Mới đây nhất, ngân hàng này đã thông qua gói tín dụng cho vay 5.000 tỉ đồng với lãi suất 10%/năm. Ông Phước đề nghị NHNN, UBND TP.HCM cần kiến nghị Chính phủ có biện pháp kích cầu, kích thích tiêu dùng để giải phóng lượng hàng tồn kho cho DN. Đại diện Ngân hàng BIDV cho hay qua rà soát hàng ngàn khoản vay, đến nay chỉ còn 6 khoản vay tại TP.HCM có lãi suất trên 15%. Ngoài ra, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2012 của BIDV giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, BIDV đã tích cực hỗ trợ, đồng hành với khó khăn của DN. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank cho hay từ ngày 17.7, tất cả các khoản vay của ngân hàng đã trở về mức 15%/năm. Thậm chí có nhiều khoản vay có lãi suất 13%/năm. Riêng TP.HCM, Vietcombank dành ra gói 15.000 tỉ đồng và 700 triệu USD với lãi suất thấp hỗ trợ DN. Ngoài ra, Vietcombank đã cơ cấu lại nợ cho 11 DN. Hiện đang có 9 DN gửi hồ sơ lên ngân hàng để xem xét cơ cấu lại nợ. Ông Châu Văn La, Chủ tịch UBND quận Tân Bình (TP.HCM) cho rằng quan trọng nhất là quận phải liên kết được ngân hàng với DN và tìm đúng địa chị chỉ cần hỗ trợ, cho vay. Vừa qua, quận Tân Bình đã kết nối để ngân hàng cho DN đóng trên địa bàn vay hơn 96 tỉ đồng. Sắp tới, khoảng 100 tỉ đồng tiếp tục được giải ngân. Lãi suất cho vay phải về 10%/năm Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, 6 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ đã dần ổn định hơn. Khả năng đổ vỡ của các ngân hàng được giám sát chặt chẽ. Đến nay chỉ còn hai lĩnh vực hạn chế cho vay là chứng khoán và bất động sản (xây dựng khu công nghiệp). Trước đây, các khoản vay lãi suất 17-19%/năm được coi là thấp thì nay DN vẫn cho là cao và cần giảm thêm nữa. Với các khoản vay cũ, NHNN đã có chỉ đạo các ngân hàng cổ phần, thương mại phải đưa về lãi suất 15%/năm. Qua hai tuần triển khai, các khoản vay cũ lãi suất trên 15%/năm chiếm 60% tổng số dư nợ hiện còn 35%. Tuy nhiên, theo ông Bình, NHNN chỉ nhắc nhở, động viên chứ không thể bắt ngân hàng giảm lãi đối với nợ cũ. Bởi khoản vay giữa DN và ngân hàng là hợp đồng kinh tế và không bị “hồi tố” bởi các văn bản pháp luật ban hành sau. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết nếu lạm phát cả năm 2012 được khống chế ở mức 7% thì có thể cuối năm lãi suất huy động chỉ còn 8%/năm. Còn nền kinh tế phát triển ổn định, lạm phát được khống chế thì giữa năm sau lãi suất huy động có thể còn 7%/năm, lúc đó lãi suất cho vay sẽ ở mức 10%/năm. “NHNN chỉ cần bơm ra thị trường vài trăm ngàn tỉ đồng là nhiều DN hồng hào ra ngay. Nhưng việc bơm tiền chỉ được cho việc trước mắt chứ không tốt về lâu dài. Lúc đó, giá bất động sản lại lên vù vù. Bơm tiền thì DN khỏe cũng sống, yếu cũng sống; như vậy thì làm sao tái cơ cấu được nền kinh tế”, ông Bình phân tích.
Xin nhấn mạnh rằng việc cơ cấu lại nợ không phải là chuyện ban phát hay xin cho. Doanh nghiệp nào đủ điều kiện, chúng tôi sẽ cơ cấu lại nợ để tháo gỡ khó khăn cho họ Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank |