Tết Giáp Ngọ năm nay, trong bối cảnh khó khăn chung, khi nhiều doanh nghiệp (DN) cắt giảm nhân công để "né" thưởng Tết hoặc thậm chí phải dùng sản phẩm "cây nhà lá vườn" để thưởng cho người lao động (NLĐ) gây nên những câu chuyện "dở khóc dở cười", thì nhiều DN ngành dệt may lại có mức thưởng khá so với mặt bằng chung.
Nhiều doanh nghiệp tăng thưởng Tết
Đến thời điểm này, nhiều DN dệt may đã công bố mức thưởng Tết cho công nhân, trung bình từ 1,5 - 2 tháng lương, thậm chí có nơi còn cao hơn. Đây thực sự là tín hiệu mừng với NLĐ, đồng thời thể hiện nỗ lực lớn của các DN trong ngành.
Tổng Công ty CP Dệt may Phong Phú năm nay có mức thưởng Tết cho NLĐ vào loại cao. Những công nhân trực tiếp sản xuất của DN này có mức thưởng là 2,5 lần lương cơ bản, tương đương 10 triệu đồng. Dự đoán trước tình hình khó khăn, một số DN đã tự tìm cách triển khai linh hoạt. Tại Công ty CP May Bình Minh, tiền thưởng Tết khoảng 2 tháng lương đã được ứng trước một phần vào lương hàng tháng cho công nhân. Công ty CP May Phương Đông cũng cố gắng duy trì mức thưởng Tết như năm trước là 1,7 lần lương bình quân. Công ty CP Dệt 10/10 thưởng Tết trung bình khoảng 6 triệu đồng/người - bằng hơn một tháng lương bình quân...
Ngoài tiền thưởng, nhiều DN dệt may còn thực hiện chăm lo đời sống cho NLĐ trong dịp Tết để giữ chân họ làm việc ổn định. Nhiều công nhân ở xa được bố trí xe đưa về nhà ăn Tết và đón quay trở lại công ty. Công ty Cơ khí dệt may Thủ Đức ngoài đảm bảo lương, thưởng Tết còn hỗ trợ quà tất niên, họp mặt cho công nhân ở lại và đăng ký mua vé xe cho công nhân ở xa. Tổng Công ty CP Dệt may Phong Phú tổ chức cho 3.000 NLĐ họp mặt mừng xuân, bán hàng giảm giá 10 - 30% cho toàn thể công nhân. Đồng thời, DN này còn tổ chức liên hoan không chỉ cho các công nhân không có điều kiện về quê đón Tết mà còn tổ chức họp mặt cho cả người thân của họ.
Chăm lo đời sống thường nhật
So với các ngành công nghiệp khác, ngành dệt may có đặc thù sử dụng rất nhiều công nhân lao động. Mặc dù vậy, cùng với việc tăng mức thưởng mỗi dịp Tết đến, tăng lương hàng tháng, thì chất lượng môi trường và điều kiện làm việc của NLĐ trong ngành đã và đang được cải thiện đáng kể. “DN nào quan tâm đến sự phát triển bền vững đều hiểu rằng, nguồn lao động ổn định là yếu tố đảm bảo sự thắng lợi cho những năm tiếp theo" - Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ.
Đến thời điểm này, nhiều DN dệt may trong nước đã áp dụng hình thức phục vụ cán bộ, công nhân lao động 2 bữa ăn trong ngày (sáng và trưa). Hầu hết DN thuộc Vinatex đã đầu tư lại hệ thống bếp ăn cho NLĐ, đảm bảo VSATTP, góp phần chăm lo đời sống để công nhân yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với DN.
Bên cạnh đó, nhiều DN dệt may quy định nghiêm túc chế độ làm việc từ 7 - 17giờ, ngoài giờ đó là cắt điện hoàn toàn để ngừng sản xuất và nghỉ tất cả các Chủ nhật trong tháng. "Chúng tôi cho rằng, nếu chỉ tăng thu nhập thực tế mà không giảm giờ làm, vẫn yêu cầu NLĐ làm việc quá 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày không thể gọi là cải thiện điều kiện làm việc và cuộc sống" - ông Trường nhấn mạnh.
Đặc biệt, năm 2013 trong tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập bình quân của NLĐ trong Vinatex không hề giảm mà còn tăng 10% so với năm trước, đạt 5.206.000 đồng/tháng. Đối với nhiều DN lớn, duy trì được nhiều đơn hàng xuất khẩu, mức lương của công nhân đã đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Trường tự tin cho biết, trước năm 2020, công nhân dệt may sẽ có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng. Để đạt mức thu nhập này không hề đơn giản, nhưng đã thể hiện rõ quyết tâm của ngành dệt may ngày càng chăm lo tốt hơn cho đời sống NLĐ.
May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Hải Linh
|
Lãnh đạo Vinatex cho rằng, cách giải quyết hài hòa giữa lợi ích DN và thu nhập NLĐ trong dịp Tết không chỉ nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân mà còn để thu hút nhân sự, khắc phục tình trạng NLĐ nghỉ hay bỏ việc sau Tết - vấn đề "nóng" mà nhiều DN dệt may gặp phải những năm gần đây, từ đó hướng tới sự phát triển bền vững cho DN. Thực tế năm 2013, các công ty con trong Tập đoàn không còn tình trạng công nhân nghỉ hay bỏ việc sau Tết. |