Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không chỉ nhìn vào con số để đánh giá nợ công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đồng tiền của Việt Nam mất giá khá nhiều so với tiền của những nước chúng ta vay vốn nhiều như Nhật Bản, EU... Việc này đã làm tăng thêm gánh nặng nợ công.

KTĐT - Đồng tiền của Việt Nam mất giá khá nhiều so với tiền của những nước chúng ta vay vốn nhiều như Nhật Bản, EU... Việc này đã làm tăng thêm gánh nặng nợ công.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, điều quan trọng của vay nợ là mục đích và hiệu quả sử dụng, chứ nhìn vào con số trên 50% không thể khẳng định có an toàn hay không.

- Chính phủ cho rằng, nợ công năm 2010
là 56,7% và dự kiến 2011 sẽ ở mức 57,1% GDP nằm trong ngưỡng an toàn, quan điểm của ông về điều này như thế nào?

Không chỉ nhìn vào con số để đánh giá nợ công - Ảnh 1
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. Ảnh: T.P

- Tôi cho rằng, không nên lấy con số bao nhiêu phần trăm để khẳng định nợ công an toàn hay rủi ro. Điều quan trọng là sử dụng khoản vay nợ đó vào mục đích gì? Nếu vay nợ mà tập trung đầu tư các dự án mang lại hiệu quả kinh tế thì nợ công cao hay thấp không phải là điều đáng ngại. Ngược lại nếu không quản lý tốt thì rất nguy hiểm.

Cần giải trình cụ thể có bao nhiêu dự án mang lại hiệu quả kinh tế, tạo ra bao nhiêu việc làm chứ không nên nói chung chung. Thực tế ở Việt Nam, tiền vay nợ Chính phủ đầu tư nhiều vào doanh nghiệp nhà nước trong khi hoạt động của một số doanh nghiệp này lại không hiệu quả.

Như trường hợp Vinashin được vay 750 triệu USD từ nguồn phát hành trái phiếu của Chính phủ. Khi các tập đoàn không có khả năng thanh toán thì Chính phủ phải đứng ra trả thay. Nếu Chính phủ không giải quyết được thì Quốc hội phải có ý kiến.

- Vậy tại sao lâu nay người ta vẫn lấy tỷ lệ nợ công/GDP làm một chỉ tiêu đánh giá mức độ an toàn hay rủi ro?

- Xét về bản chất của vấn đề nợ công, tỷ lệ nợ công/GDP chỉ phản ảnh một phần nào đó về mức độ an toàn hay rủi ro của nợ công. Còn lấy tỷ lệ đó mà khẳng định nợ công an toàn thì chưa có cơ sở. Nợ công khoảng 100% đủ để một nước như Hy Lạp rơi vào tình trạng phá sản, trong khi đó nợ công lên tới hơn 200% như Nhật Bản vẫn được coi là an toàn. Như vậy, mức độ an toàn hay nguy hiểm của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào tình trạng phát triển của nền kinh tế.

Định nghĩa nợ công của Bộ Tài chính chỉ bao gồm nợ của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh chứ không bao gồm nghĩa vụ nợ của ngân hàng trung ương, các đơn vị trực thuộc Chính phủ, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước.

Mặt khác, thống kê nợ của doanh nghiệp nhà nước thường không đầy đủ, được minh chứng qua trường hợp của Vinashin với tổng dư nợ thực tế, theo một đại biểu Quốc hội, có thể lên tới 120.000 tỷ chứ không phải 86.000 tỷ đồng.

- Theo ông, nguyên nhân cơ bản nhất khiến nợ công Việt Nam tăng cao trong thời gian qua là gì?

- Đồng tiền của Việt Nam mất giá khá nhiều so với tiền của những nước chúng ta vay vốn nhiều như Nhật Bản, EU... Việc này đã làm tăng thêm gánh nặng nợ công.

Không chỉ nhìn vào con số để đánh giá nợ công - Ảnh 2
Sự mất giá của đồng Việt Nam làm tăng thêm gánh nặng nợ công. Ảnh: T.P

Nợ công ở Việt Nam tăng nhanh trong khi thâm hụt ngân sách đã trở thành kinh niên, đầu tư lại không ngừng mở rộng kéo theo lạm phát và lãi suất cao khiến cho việc tài trợ nợ công ngày càng trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, Bộ Tài chính vẫn chưa có một chiến lược quản lý nợ công thuyết phục.

Bên cạnh đó, lạm phát đã trở thành cái bóng đi sau tăng trưởng. Bằng chứng là khi nền kinh tế vừa chớm phục hồi thì CPI và lãi suất đã tăng nhanh trở lại. Hệ quả là trong năm 2010, lợi suất trái phiếu trong nước lên tới trên 11%, đồng thời lợi suất trái phiếu quốc tế cũng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Trả nợ công đúng phải tính tới sự mất giá của đồng tiền Việt Nam. Hiện đồng Việt Nam chưa mạnh do bị ảnh hưởng nhập siêu khiến dự trữ ngoại tệ không tăng lên được. Trong khi đó đồng Yen Nhật Bản đang lên giá mạnh mấy chục phần trăm so với đồng USD. Nếu so với tỷ giá USD, tiền VND đang mất giá. Điều này cũng có nghĩa ta đang bị mất giá kép so với đồng Yen.

- Mới đây, tạp chí The Economist đưa ra con số trung bình mỗi người dân Việt Nam phải gánh 600 USD nợ công, ông đánh giá như thế nào về con số này?

- Đối với Việt Nam, con số đó là quá lớn khi so với thu nhập bình quân đầu người ở mức 1.200 USD hiện nay. Các nước khác, nợ công của họ có thể lên tới hơn 100% GDP nhưng thu nhập bình quân đầu người một năm của họ lên tới hơn 30.000 USD.

Một quốc gia vay tiền về để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sản xuất, tăng cường xuất khẩu thì đó là chuyện rất tốt. Việt Nam vay tiền về nhưng chưa thực sự tạo ra sản phẩm mạnh nào cho nền kinh tế. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng là việc đương nhiên phải làm nhưng phải tính. Các nước có điều kiện tương tự Việt Nam, sau khi vay tiền cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng họ quản lý rất tốt và chỉ làm những công trình mà tư nhân không thể đầu tư được.

- Vậy để giảm nợ công tăng cao, theo ông nhà nước sẽ phải làm gì?

- Trước hết, Chính phủ phải rà soát lại tất cả các dự án sử dụng vốn vay nợ, nếu dự án nào không đem lại lợi ích kinh tế thì nên thay thế. Chính phủ nên tính toán kỹ số tiền nợ hiện tại, trong các năm tới trả gốc và lãi bao nhiêu, thời gian trả nợ, đặc biệt là lấy nguồn tiền ở đâu để trả.

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, chú trọng vào xuất khẩu, tích trữ ngoại hối dài hạn. Ngoài ra, Quốc hội cần thành lập một ủy ban giám sát nợ công để rà soát khả năng trả nợ và tiến độ trả nợ nước ngoài. Điều này nằm trong tầm tay của Quốc hội.