Vấn nạn hàng giả gia tăng
Đại diện của nhãn hàng mỹ phẩm Olay than phiền, trung bình mỗi sản phẩm của Olay giá khoảng 200.000 đồng, nhưng hiện giá hàng giả được bày bán khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Hiện đang có rất nhiều sản phẩm nhái bao bì với tên gọi gần giống các thương hiệu nổi tiếng, điều đáng báo động là việc lợi dụng chính sách ưu tiên hàng Việt Nam, nhiều đối tượng đã tung ra thị trường một số mặt hàng Made in Vietnam giả, giá rẻ, chất lượng kém. Hay như, mỹ phẩm Nivea không sản xuất kem chống nắng toàn thân dành cho đàn ông nhưng trên thị trường tràn lan loại sản phẩm này.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Để hỗ trợ người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng giả với hàng thật, cơ quan chức năng đã thực hiện dán tem phản quang chống giả lên từng sản phẩm. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ phát huy tác dụng được một thời gian ngắn. Theo ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội: Từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT Hà Nội đã bắt giữ, xử lý 599 vụ hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuê của các thương hiệu nổi tiếng. Mới đây nhất, vụ bắt giữ 200 chiếc bếp gas giả Rinnai do Đội QLTT số 1 tiến hành. Qua kiểm tra, sản phẩm giả bị thu giữ rất khó phân biệt với hàng thật. Để phân biệt được, lực lượng QLTT đã phải mời đại diện hãng sản xuất thẩm định.
Còn chồng chéo trong kiểm soát
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) thừa nhận, hiện vẫn còn tình trạng chồng chéo về chức năng kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường; cơ chế phối hợp giữa đơn vị chống hàng giả còn lỏng lẻo mang tính hình thức.
Tuy nhiên, để đẩy lùi tệ nạn sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng mà cần sự tham gia của cả DN và người tiêu dùng. Trên thực tế, có nhiều DN trong nước và nước ngoài đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong hoạt động chống hàng giả như: Công ty Cơ điện Trần Phú, Nike, Everon… Song vẫn còn không ít DN trong nước lại không mặn mà hợp tác với cơ quan chức năng trong hoạt động này vì ngại người tiêu dùng biết sản phẩm của DN bị làm giả sẽ giảm sức tiêu thụ, dẫn đến mất thị trường.
Ông Vương Trí Dũng cho rằng, để có cơ sở xử lý hàng nhái, hàng giả cần phải có sự phối hợp từ chủ sở hữu thương hiệu trong việc giám định sản phẩm. Song không phải mọi DN đều có ý thức hợp tác với cơ quan chức năng trong hoạt động này. Chính vì vậy, công tác xử phạt DN sản xuất hàng giả rất khó khăn. Để đẩy lùi hàng giả, tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt phát triển, DN cần kết hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, chủ động cung cấp thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả. Đồng thời, cơ quan quản lý cần đưa ra những chế tài mạnh hơn và xử lý nghiêm vấn nạn hàng nhái, hàng giả. Quan trọng hơn cả là chính bản thân người tiêu dùng nên tích cực tham gia hợp tác với cơ quan chức năng bằng cách nói không với hàng giả, nhái nhãn mác.