Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không cho phép nhập khẩu phế liệu để buôn bán trong nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong nội dung được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được các đại biểu Quốc hội (QH) thông qua, với 86,14% đại biểu tán thành, chiều nay (23/6).

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua gồm: 20 Chương, 170 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Luật tập trung sửa đổi theo hướng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) theo nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất về BVMT; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng về BVMT; xác định rõ hơn nguồn lực tài chính cho BVMT và nhiệm vụ được chi từ kinh phí sự nghiệp môi trường; bổ sung thêm nội dung mới về biến đổi khí hậu và BVMT; gắn kết bảo vệ tài nguyên và BVMT với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh tăng trưởng xanh, khuyến khích phát triển công nghiệp và đô thị sinh thái; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Trước khi thông qua, các đại biểu QH đã nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ QH. Theo đó, để tránh chồng chéo giữa quy hoạch BVMT với các quy hoạch khác, dự thảo Luật đã tiếp thu theo hướng quy định rõ các nguyên tắc trong xây dựng quy hoạch BVMT. Quy hoạch BVMT phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và chiến lược BVMT quốc gia; bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch sử dụng đất... hạ tầng kỹ thuật BVMT phải gắn với hệ thống các giải pháp BVMT liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

Về việc cần làm rõ nội dung và yêu cầu tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, theo Ủy ban Thường vụ QH dự thảo Luật quy định chủ đầu tư dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan nhà nước, cộng đồng chịu tác động trực tiếp của dự án; còn nội dung và yêu cầu tham vấn trong quá trình thực hiện tác động môi trường sẽ được quy định trong văn bản dưới Luật vì quy mô, tính chất, nội dung, ảnh hưởng đến môi trường của từng loại dự án là rất khác nhau, do đó nội dung và yêu cầu tham vấn cũng rất khác nhau đối với từng dự án. Đối với tư vấn lập báo cáo tác động môi trường, Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu và đã bỏ điều quy định về điều kiện của tổ chức tư vấn lập báo cáo tác động môi trường   

Về kế hoạch BVMT dự thảo Luật đã tích hợp nội dung của kế hoạch BVMT với nội dung của cam kết BVMT thành quy định chung là kế hoạch BVMT. Kế hoạch BVMT này được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận, không phải lập hội đồng để xem xét, phê duyệt nhằm bảo đảm tính thực thi, đơn giản thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Đối với yêu cầu phải quy định rõ trong Luật về nhóm phế liệu được phép nhập khẩu; điều kiện kho bãi tập kết phế liệu và có quy định cụ thể về mua bán phế liệu nhập khẩu. Theo Ủy ban Thường vụ QH do nhu cầu sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trong từng thời kỳ khác nhau thì khác nhau về chủng loại, phụ thuộc vào khả năng xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với phế liệu nhập khẩu. Vì thế, dự thảo Luật đã giao Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu nhập khẩu để phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã quy định rõ về các điều kiện đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu, trong đó có quy định về kho bãi, công nghệ và chỉ nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất, không cho phép nhập khẩu phế liệu để buôn bán trong nước. Đặc biệt, dự Luật cũng đã bổ sung quy định về trách nhiệm ký quỹ phế liệu nhập khẩu để xử lý phế liệu nhập khẩu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Quốc hội cho phép quy định về BVMT trong nhập khẩu phế liệu như trong dự thảo Luật.

Về đề nghị cần cân nhắc quy định cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì có thể gây tác động xấu đến môi trường nếu không có những quy định nghiêm ngặt. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, dự Luật quy định tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ phải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, nghĩa là phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để hạn chế tới mức thấp nhất có thể gây tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng nhằm bảo đảm tổ chức chặt chẽ việc phá dỡ, hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Trên thực tế công việc phá dỡ tàu biển đã được nhiều nước tiến hành. Việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao, khối lượng không nhỏ cho sản xuất công nghiệp; góp phần giải quyết việc làm, tăng lợi ích kinh tế, góp phần BVMT vì giảm bớt đến yêu cầu khai thác khoáng sản. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH xin QH cho được tiếp thu và quy định về vấn đề này như tại Điều 75 của dự thảo Luật.

Về yêu cầu làm rõ mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy việc quy định rõ các khái niệm về  mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường “nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” là không đơn giản, liên quan đến rất nhiều chỉ số hóa học, lý học, sinh học và phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Do đó, về vấn đề này dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp và khả thi hơn…