Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không có chuyện "ngăn sông cấm chợ", xe cá nhân, xe chở hàng lưu thông bình thường

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chốt chặn tại cửa ngõ ra vào các TP nhằm kiểm tra việc thực hiện dừng hoạt động vận tải hành khách. Những biện pháp này không áp dụng với xe cá nhân và xe chở hàng hoá.

Kiểm soát thân nhiệt, ghi nhận hành trình và khai báo y tế người dân tại chốt trạm Cầu Giẽ - Phú Xuyên (Hà Nội) sáng 2/4. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ GTVT đã có văn bản hoả tốc ngày 31/3 gửi đến các Sở GTVT địa phương về việc dừng hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hạn chế vận tải đối với hàng không, đường sắt trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện về y tế trên phương tiện vận tải. Thời gian thực hiện từ 0h ngày 1/4/2020, kéo dài trong 15 ngày.
Tuy nhiên, qua phản ánh tại nhiều địa phương trên cả nước xảy ra hiện tượng lập chốt chặn trên đường, để ngăn không cho phương tiện đi từ địa phương này sang địa phương khác.
Về hiện tượng trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định không có chuyện "ngăn sông cấm chợ". Việc cấm triệt để việc đi lại của người dân là không đúng trong khi Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng không nêu vấn đề "cấm". Chính phủ chưa ban hành lệnh phong tỏa thì phương tiện cá nhân và hàng hoá vẫn phải được lưu thông bình thường.
Liên quan đến chốt chặn của lực lượng chức năng tại cửa ngõ ra vào các TP, Bộ trưởng cho biết chốt này lập ra để nhằm kiểm tra việc thực hiện dừng hoạt động vận tải hành khách. Những biện pháp này không áp dụng với xe cá nhân và xe chở hàng hoá.
Trước đó Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ, khẳng định yêu cầu cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước như một số quốc gia đã làm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các yêu cầu, chỉ đạo sẽ ở cấp cao hơn. Nếu dịch vẫn tiếp tục diễn biến xấu, lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng thì phải có sắc lệnh cao hơn và nghiêm ngặt hơn nữa. Nhưng muốn thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, phải chuẩn bị và thực hiện từng bước.
"Đây là những dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm", Người phát ngôn Chính phủ lý giải.