Không có ngoại lệ khi xử lý biển quảng cáo vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chưa đến “hạn chót” phải xử lý xong 156 biển quảng cáo (QC) tấm lớn và 212 biển QC trên dải phân cách vi phạm hoạt động QC, song nhiều quận, huyện đã rục rịch ra quân xóa biển QC vi phạm trên địa bàn.

Kiên quyết thực hiện

Ngay từ đầu tháng 6/2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các đơn vị quản lý kiên quyết xử lý biển QC vi phạm đang tồn tại trên địa bàn TP. Ngày 23/6, Chủ tịch UBND TP ra Quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành TP xử lý vi phạm trong hoạt động QC. Công việc của đoàn thanh tra từ đó đến nay là lập hồ sơ số biển QC vi phạm và bắt đầu thông báo cho các quận, huyện, thị xã, DN liên quan.
Trong tháng 8/2016, sẽ thực hiện xong việc tháo dỡ các biển quảng cáo vi phạm trên địa bàn thành phố. Ảnh: Hải Linh
Trong tháng 8/2016, sẽ thực hiện xong việc tháo dỡ các biển quảng cáo vi phạm trên địa bàn thành phố. Ảnh: Hải Linh
Trên tinh thần quyết tâm xử lý, nhiều quận, huyện đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và thông báo yêu cầu tháo dỡ. Quận Cầu Giấy đã thống kê được 23 biển QC tấm lớn đứng độc lập không được cấp phép. Hoặc tại Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Thanh Long đã giao cho Phòng VH&TT lên kế hoạch, từng bước thống kê, gặp gỡ DN có biển QC vi phạm yêu cầu tháo dỡ, khi cần có thể cưỡng chế tháo dỡ. “Huyện Sóc Sơn cũng đã xác định được 20 bảng QC trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp không được phép tồn tại. Mặc dù tháo dỡ các biển QC vi phạm không dễ, nhưng theo yêu cầu của TP, chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện” – Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hữu Mạnh cho biết

Theo bà Trịnh Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy: “Quận đã gửi thông báo đến các DN có biển QC vi phạm trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị này đến 15/7 phải tự tháo dỡ xong. Nếu các đơn vị cố tình không thực hiện, quận sẽ thực hiện các bước cưỡng chế tháo dỡ”. Song, cưỡng chế cũng phải thực hiện theo các quy trình rất chặt chẽ, bởi tháo dỡ một biển QC đứng độc lập liên quan đến tài sản có giá trị của DN, nếu sơ hở rất có thể DN sẽ kiện đơn vị quản lý. Hơn nữa, nhiều lãnh đạo quận, huyện còn băn khoăn, trong số các biển QC lập hồ sơ vi phạm lần này có vị trí được phép tồn tại trong dự thảo quy hoạch QC mà TP đang xây dựng. Nếu tháo dỡ lần này, sau đó cho xây dựng lại có lãng phí? “Chính vì vậy, chúng tôi rất mong TP sớm ban hành Quy hoạch QC để đưa ra hướng giải quyết hợp lý” – bà Dung đề xuất.

Rõ trách nhiệm

Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành TP bày tỏ: “Sẽ không có trường hợp ngoại lệ cho phép tồn tại đối với 156 biển QC tấm lớn và 212 biển QC trên dải phân cách đã được lập hồ sơ vi phạm trên địa bàn 9 quận, huyện”. Bởi Quy hoạch QC trên địa bàn TP mới là bản dự thảo, ban đầu xác định tọa độ, chưa xác định từng vị trí cụ thể. Hơn nữa, theo Luật QC năm 2013 thì DN chỉ được quyền xây dựng biển QC theo quy hoạch sau khi trúng thầu công khai. Có nghĩa là tất cả các biển QC trên địa bàn TP sẽ phải lựa chọn lại DN thực hiện QC theo quy định mới của Luật.

Từ 15/7 - 30/8, Đoàn thanh tra sẽ hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi việc tổ chức tháo dỡ bảng QC vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Các bước thực hiện và các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện sẽ được quy định trong Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước hoạt động QC trên địa bàn TP. Theo dự thảo Chỉ thị, việc xử lý, tháo dỡ biển QC vi phạm phải được thực hiện xong trong tháng 8/2016. Bảng QC vi phạm thuộc địa bàn quận, huyện nào thì UBND quận, huyện đó tổ chức lực lượng, tập trung cưỡng chế vi phạm. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã là người chỉ đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về trật tự QC trên địa bàn mình quản lý.