Để làm rõ một số thông tin báo chí phản ánh dựa trên kết luận thanh tra trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết: Các dự án xây cầu thép trong kết luận thanh tra đều là các công trình giao thông trọng điểm của TP Hà Nội để chống ùn tắc giao thông (UTGT) và được triển khai theo cơ chế đặc thù vừa thiết kế, vừa thi công theo Văn bản số 134/TTg-KTN ngày 1/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các dự án sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả đầu tư, làm giảm UTGT cho Hà Nội. Trong quá trình triển khai, Sở GTVT Hà Nội đã tuân thủ theo các quy định của Nhà nước ban hành.
Về nội dung liên quan đến định mức, đơn giá, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, do công trình xây dựng cầu vượt thép lắp ghép lần đầu được triển khai tại Việt Nam nên nhiều hạng mục chưa có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình. Sở GTVT Hà Nội khi phê duyệt đã tạm vận dụng một số định mức có tính chất tương tự để duyệt giá trị một số hạng mục cố gắng phù hợp với điều kiện thực tế.
Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên phát biểu tại buổi họp báo
|
Để phục vụ thanh, quyết toán chính thức, liên ngành Sở Xây dựng, GTVT, Tài chính, LĐTB&XH đã lập, xây dựng các định mức mới cho một số hạng mục công việc và được UBND TP phê duyệt. Như vậy, các chênh lệch do áp dụng định mức mà Thanh tra Bộ Xây dựng nêu sẽ được điều chỉnh khi áp dụng theo định mức mới và sẽ căn cứ vào khối lượng, biện pháp thi công thực tế được nghiệm thu để quyết toán công trình.
Những con số thống kê kinh phí liên quan đến định mức, đơn giá trong kết luận thanh tra thực chất chỉ là con số mà Thanh tra Bộ Xây dựng thấy chưa đủ cơ sở khi chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt định mức (tại thời điểm ban hành kết luận thanh tra). Tuy nhiên, các định mức này hiện đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, cho phép áp dụng phù hợp với thực tế thi công tại hiện trường và Sở GTVT Hà Nội sẽ nghiệm thu, quyết toán theo đúng các kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nên không thể coi đó là sai phạm và thất thoát.
Đối với kết luận liên quan đến công tác bóc tách khối lượng còn thiếu chính xác khi lập, thẩm định và phê duyệt dự toán, về việc này có yếu tố khách quan do công trình phải triển khai gấp rút, vừa thiết kế, vừa thi công nên không tránh khỏi thiếu sót. Mặt khác, các công trình cầu đều được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu và trong quá trình thi công, nghiệm thu, Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát đã nghiệm thu theo đúng khối lượng thực tế thực hiện, do vậy khi quyết toán công trình sẽ xử lý tất cả các tồn tại ở khâu dự toán và thực tế chưa gây nên thất thoát.
Làm rõ hơn một số thông tin cho rằng Sở GTVT Hà Nội đã gây thất thoát, lãng phí lớn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên khẳng định: Việc thanh tra các công trình cầu vượt ở Hà Nội chỉ là thanh tra thông thường theo kế hoạch và không có chuyện thất thoát, bởi tại các dự án này chi phí mới chỉ là dự toán, chưa phải là quyết toán theo đơn giá UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho biết: Việc xây dựng những cây cầu vượt như ở Hà Nội thời gian qua từ trước chưa có tiền lệ nên cũng chưa có định mức và biện pháp thi công. Vì vậy, có thể khi thiết kế thế này, nhưng khi bắt tay vào thi công cụ thể sẽ phải thay đổi cho phù hợp và việc áp dụng định mức cũng linh hoạt như vậy.
Đối với trên 27 tỷ đồng Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu không được thanh toán, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên nhấn mạnh đây không phải là thất thoát, lãng phí và cơ quan Thanh tra cũng không kết luận như vậy. Số tiền này sau khi có đơn giá được UBND TP Hà Nội phê duyệt sẽ thực hiện quyết toán đảm bảo đúng quy định.
Đối với trách nhiệm cụ thể, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết đã yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan kiểm điểm để làm rõ có sai phạm hay không, đến mức độ nào.