Không còn chỉ là vận động, tuyên truyền

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thành công tốt đẹp. Một trong những hoạt động của kỳ họp được cử tri cả nước quan tâm, đó là trong phiên họp cuối cùng, chiều ngày 17/11/2020, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (Luật BVMT sửa đổi), với 443/466 đại biểu tán thành, chiếm 91,91%.

Luật BVMT sửa đổi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, gồm 16 chương, 171 Điều được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu người dân được sống trong môi trường trong lành.

So với Luật BVMT năm 2014, Luật BVMT sửa đổi có những điểm mới mang tính đột phá. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Quan điểm mang tính đột phá nói trên là cơ sở cho rất nhiều điểm mới của Luật BVMT sửa đổi, trong đó có việc lần đầu tiên nội dung về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được đề cập trong Luật với những quy định cụ thể về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt là việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân (bao gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác) được nêu rất cụ thể, rõ ràng.

Với quy định này, việc xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được chính thức đề cập tới trong các điều luật. Quy định trên cũng là cơ sở để xác định hành vi không phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nằm trong số những hành vi bị nghiêm cấm.

Việc cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT còn là cơ sở của việc nêu rõ, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi hộ gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Việc thu phí xử lý rác thải được tính theo khối lượng trên quản điểm: Người gây ô nhiễm phải trả tiền; Người nào xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền nhằm thực hiện triệt để phân loại rác thải tại nguồn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để Luật BVMT sửa đổi đi vào cuộc sống, trong đó có những quy định về xử lý rác thải tại nguồn cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình trong việc bảo vệ môi trường. Nhưng rõ ràng là, việc thông qua Luật BVMT sửa đổi là cơ sở để thực hiện một cách triệt để việc hoạt động phân loại rác tại nguồn, một giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư mà từ lâu đã được quan tâm song chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Đây cũng là hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và đặc biệt là các cơ quan chức năng tuân thủ, giám sát, xử lý. Rõ ràng là với việc Luật BVMT sửa đổi được ban hành và đi vào cuộc sống, người dân cần ý thức được là việc phân loại rác thải tại nguồn bắt buộc, nếu không thực hiện nghiêm có thể bị xử lý theo quy định của Luật pháp.

Ở một góc độ khác, với tinh thần thượng tôn pháp luật, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Tài nguyên -Môi trường, cùng với việc tuyên truyền, vận động và cả xử phạt theo Luật, cũng cần tạo đều kiện để người dân thực thi một cách nghiêm túc những quy định của Luật. Bên cạnh đó, ngành cần nghiêm túc và gương mẫu thực hiện, tránh tình trạng người dân có ý thức phân loại rác tại nguồn nhưng nhân viên thu gom lại cho chung vào một chỗ như từng thấy nhiều nơi thời gian qua.

Có thể nói, với những quy định về phân loại rác thải tại nguồn của Luật BVMT sửa đổi mới được thông qua, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn không còn là điều mà các cơ quan tuyên truyền vận động người dân thực hiện, mà là hành vi bắt buộc, được pháp luật quy định, mỗi người dân, cộng đồng buộc phải nhận thức rõ để nghiêm túc thực hiện!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần