Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không đạt được thỏa thuận “giới hạn” sản lượng dầu mỏ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại thủ đô Doha của Qatar, 15 nước khai thác và xuất khẩu dầu lửa, trong đó có tất cả thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga nhưng không có Iran, đã họp bàn về biện pháp chung nhằm đối phó với tình trạng giá dầu lửa giảm hoặc không chịu tăng trở lại.

Sự kiện này khiến dư luận quan tâm vì ngoài OPEC giờ có thêm cả những nước không phải là thành viên OPEC cùng nhau tìm kiếm giải pháp. Mục tiêu đề ra là thỏa thuận về giảm khối lượng dầu lửa khai thác hàng ngày để ngăn chặn giá tiếp tục giảm và kỳ vọng dần dần đưa giá tăng trở lại. Định hướng cho suy tính ở đây là giảm cung, trong khi chưa kích tăng được cầu để tăng giá dầu lửa. Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới không được sáng sủa thì xem ra giảm cung là phương cách duy nhất có thể đưa lại hiệu ứng là giá dầu lửa trên thị trường không những ngừng giảm mà còn có thể tăng dần. Chỉ có điều là thất bại của hội nghị này đã được báo trước.
Toàn cảnh nhà máy lọc dầu tại Saudi Arabia. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Toàn cảnh nhà máy lọc dầu tại Saudi Arabia. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Hai tháng trước đây, 4 nước là Ả rập Xê út, Qatar, Nga và Venezuela đã co cụm với mục tiêu tương tự, đã đạt được thỏa thuận mà hội nghị hiện tại đang nỗ lực đạt được, nhưng rồi chẳng xoay chuyển được tình thế trên thị trường dầu lửa thế giới. Ở hội nghị mới này, nhiều khả năng là các nước tham dự sẽ nhất trí với nhau về giới hạn khối lượng khai thác dầu hàng ngày. Nhưng chỉ có vậy thôi thì chưa đủ.

Vấn đề trước hết là xác định mức độ. Các thành viên tham dự hội nghị ở Doha thỏa thuận giảm khối lượng khai thác dầu lửa hàng ngày, nhưng chỉ làm cho thấp hơn khối lượng hiện tại chứ không thấp đến mức đủ để tạo nên hiệu ứng mong đợi là có tác động tích cực tới chiều hướng biến động của giá dầu trên thị trường. Ấy là còn chưa kể đến khả năng chắc chắn sẽ xảy ra là không có nước nào tham dự hội nghị này rồi đây tuân thủ nghiêm chỉnh những gì đã thỏa thuận. OPEC vốn là tổ chức hẳn hoi và đã từng xưng hùng xưng bá một thời mà còn bị suy giảm vai trò và ảnh hưởng chính vì thành viên coi trọng lợi ích riêng hơn lợi ích chung của cả tổ chức, chứ kể gì đến những quốc gia tham dự hội nghị chẳng bị ràng buộc vào nhau bởi cái gì.

Hội nghị thất bại bởi Iran không tham dự. Sau khi không còn bị phương Tây trừng phạt nhờ giải quyết ổn thỏa vấn đề hạt nhân, Iran có nhu cầu rất lớn về phát triển kinh tế - xã hội mà khai thác và xuất khẩu dầu lửa là động lực và nguồn thu với tầm quan trọng chiến lược. Iran sẽ không hy sinh lợi ích của mình vì OPEC hay vì ai đó khác. Hơn nữa, Ả rập Xê út và những vương triều dầu lửa ở vùng Vịnh hiện đang thù địch với Iran. Iran lại càng không có lý do và lợi ích tự nguyện chịu thiệt để các địch thủ này bớt thiệt.