Theo Ban soạn thảo, sau gần mười năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua tổng kết tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2003 còn một số tồn tại, bất cập như pháp luật đất đai và các pháp luật khác có liên quan đến đất đai còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, một số nội dung chưa rõ ràng, chưa phù hợp; nguồn lực về đất đai chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực phục vụ đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, gây bức xúc trong xã hội; công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn hạn chế, bất cập. Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 là cần thiết, nhằm giải quyết những tồn tại nói trên.
Ban soạn thảo cho biết, quan điểm sửa đổi Luật Đất đai là tiếp tục khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai. Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân. Ảnh: Tuấn Anh
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 190 điều, so với Luật Đất đai năm 2003, bố cục Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tăng thêm 6 chương và 44 điều. Số lượng chương tăng lên là do tách các mục của Chương II Luật Đất đai hiện hành thành các Chương riêng; bổ sung hai chương mới là Chương Quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai và Chương Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.
Về cơ chế thu hồi đất, Dự thảo Luật quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất "sạch"; sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đối với dự án sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư trong nước thực hiện nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Có ý kiến đề nghị Nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với tất cả các trường hợp, bỏ cơ chế nhà đầu tư tự nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tránh việc tạo ra chênh lệch giá dẫn đến khiếu kiện về đất đai khi Nhà nước thu hồi đất.
Đối với việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, tỉnh và huyện; bổ sung việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế - xã hội và thực hiện lồng ghép quy hoạch này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; lồng ghép quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện...
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến cơ chế thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp thu hồi đất; nguyên tắc xác định giá đất; thời hạn và hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân.