Vì vậy, tại hội thảo góp ý sửa đổi Luật Dược diễn ra ngày 15/6, nhiều ý kiến đề xuất nên để Bộ Tài chính quản lý giá thuốc, tránh tình trạng Bộ Y tế "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Giá thuốc sẽ hạ nếu công khai, minh bạch trong vấn đề quản lý.Ảnh: Minh Việt
Nên để Bộ Tài chính quản lý giá
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, việc chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện, giữa bệnh viện và thị trường, giữa các địa phương là do giá thuốc bị đẩy đi lòng vòng, các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn để hưởng hoa hồng... Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngoài nguyên nhân lợi nhuận còn có kẽ hở của pháp luật bị lợi dụng. Để ngăn chặn tình trạng này, việc Bộ Y tế vừa quản lý về chuyên môn lại vừa quản lý giá là không phù hợp, giống như "vừa đá bóng vừa thổi còi". Vì thế, tại Dự thảo sửa đổi Luật Dược, Bộ Y tế đề xuất, Chính phủ nên thành lập Hội đồng liên ngành về quản lý giá thuốc.
Theo đó, sẽ có 2 phương án. Phương án 1, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Phương án 2, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế và Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, lựa chọn phương án 1 sẽ phù hợp với quy định của Luật Giá vì Bộ Tài chính được phân công thực hiện chức năng quản lý giá nói chung và là đơn vị xây dựng các chính sách, cơ chế về giá thuốc mang tính chỉ đạo, điều hành, đồng thời đảm bảo tính khách quan trong quản lý giá thuốc.
Tránh tiêu cực trong đăng ký thuốc
Thừa nhận những tồn tại trong việc đăng ký thuốc thời gian qua, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, hiện có tới 97% số hồ sơ xin cấp số đăng ký thuốc phải bổ sung sau khi nộp cho cơ quan chức năng. Ông Cường biện giải, có quá nhiều quy định không phù hợp thực tế, chẳng hạn phí thẩm định thấp, không tương xứng với công sức của chuyên gia thẩm định. Trước đây, một ngày, chuyên gia có thể đọc 10 - 15 hồ sơ đăng ký thuốc, nhưng sau khi Thông tư 22, ban hành ngày 24/11/2009 (quy định về quản lý đăng ký thuốc) với nhiều quy định chặt chẽ, mỗi ngày chuyên gia chỉ đọc 3 - 5 hồ sơ. Điều này cũng dẫn đến quá tải trong đăng ký thuốc. Các quy định không khả thi, không còn phù hợp sẽ được Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi tại Dự thảo Sửa đổi Luật Dược.
Để chấn chỉnh tiêu cực trong đăng ký thuốc, ông Cường cho hay, có 3 biện pháp để công khai hoạt động cấp số đăng ký thuốc, giảm thiểu tiêu cực gồm: Đặt hòm thư góp ý; công khai kết quả xử lý cán bộ có ý kiến góp ý, nhũng nhiễu, tiêu cực trong công việc; cập nhật thông tin và công bố công khai thông tin trên mạng về tình trạng hồ sơ đăng ký thuốc.
Riêng về vấn đề đấu thầu thuốc, theo ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện Thông tư mới có thể giảm chi phí thuốc trong bệnh viện từ 15 - 20%. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu sâu hơn để giá tốt, nhưng chất lượng đảm bảo. Đúng là những bệnh nhân nặng bắt buộc dùng biệt dược, thuốc mạnh mới hiệu quả, song có tới 70% bệnh là ở mức độ bình thường. Vì vậy, nên khuyến khích dùng thuốc trong nước đảm bảo đạt tiêu chuẩn GMP.
"Tất cả những thuốc đạt tiêu chuẩn GMP đều được coi là cùng mức chất lượng, vì vậy nên dùng thuốc trong nước, vừa giúp bệnh nhân giảm chi phí, vừa thúc đẩy nền sản xuất dược phát triển." - PGS Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế
|