Khắt khe với quảng cáo
Sau 6 tháng xây dựng, dự thảo Quy hoạch quảng cáo (QHQC) ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030 đã được Công ty Kỷ Nguyên (đơn vị do Sở VHTT&DL Hà Nội chỉ định xây dựng dự thảo) công bố. Các chuyên gia nhận định, dự thảo QHQC này đưa ra nhiều quy định khắt khe hơn so với QHQC của TP Hà Nội năm 2007, và chạm mốc yêu cầu tối đa của Luật Quảng cáo. Theo QHQC năm 2007 đang được các địa phương và các doanh nghiệp (DN) QC thực hiện, khoảng cách giữa 2 biển QC liền kề trên tuyến đường cao tốc và tuyến đường quốc lộ là 200m, nhưng quy định tại Theo dự thảo QHQC mới được nâng lên 400m. Các tiêu chí về chiều cao, diện tích mặt bảng QC, khoảng cách tới mép đường... đều thay đổi.
Quảng cáo tấm lớn dọc hai bên đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng
|
Ngoài ra, một số nội dung QC tấm nhỏ trên các tuyến cầu lớn, trong nhà chờ xe buýt, trên các tuyến xe buýt, trên các nhà cao tầng... đều được đưa vào danh mục QH lần này. Trong Quyết định về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động QC ngoài trời đang được xây dựng thay thế Quyết định số 94/2009/QĐ-UBND trước đây, cụ thể hóa QHQC sắp ban hành, đã mạnh dạn đưa ra danh mục khu vực cấm QC như Khu vực Quảng trường Ba Đình, khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu vực quanh hồ, khu vực phố cổ...
Rất nhiều ý kiến cho rằng, đơn vị quản lý Nhà nước không nên tự bó mình với quá nhiều quy định. Theo ông Phạm Thành Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội QC Hà Nội: "Cần nghiên cứu xem có nên đưa QC tấm nhỏ trên các tuyến cầu lớn vào danh mục quy định hay không. Bởi vì, theo QH năm 2007, không có quy định này nhưng trên cầu Thăng Long vẫn xuất hiện các hoạt động QC". Song, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: "Sẽ có nhiều ý kiến được chúng tôi tiếp thu để sửa đổi QH và Quy chế cho phù hợp, nhưng có nhiều ý kiến không thể sửa đổi. Về cơ bản, QHQC sẽ vẫn giữ nguyên 8 đầu mục nội dung như dự thảo. Bởi vì, các hình thức QC đang tạo "rác" cho Hà Nội. Chúng tôi gọi đó là "rác” trên không. Để xây dựng Hà Nội văn minh thì cần phải dọn sạch các loại “rác “này. Thực tế, nhu cầu QC của DN là rất lớn, nếu đáp ứng hết nhu cầu thì Thủ đô không còn cây xanh, QC bao che toàn bộ giá trị công trình kiến trúc đô thị".
Có bớt "hành" doanh nghiệp?
Từ trước đến nay, mỗi khi DN cần xin cấp phép QC đều than khổ. Hết phải lo thủ tục thuê đất từ Sở TN&MT, cấp phép xây dựng từ Sở Xây dựng, cấp phép nội dung QC từ Sở VHTT&DL... Đến Sở nào, DN cũng bị "hành" bằng hàng loạt thủ tục hành chính. Đó là chưa kể, khi biển QC được cấp phép, về đến xã, phường, quận lại thêm nhiều yêu cầu không thiếu nhiêu khê. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo QHQC mới đã đưa ra trách nhiệm của các ngành liên quan. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Duy - Trưởng phòng VHTT quận Long Biên: "Trách nhiệm này vẫn còn chồng chéo. Đề nghị Sở VHTT&DL nên phân cấp quản lý cấp phép nội dung các loại biển QC cho quận, huyện để tránh trường hợp DN không thể thực hiện QC vì giấy phép chậm, hoặc địa phương không nắm giữ được đầu mối DN để yêu cầu tháo dỡ QC sau khi hết hạn". Với bài học từ việc phân cấp quản lý lễ hội, quản lý di tích, quản lý karaoke để xảy ra quá nhiều sai sót, đại diện Sở VHTT&DL cho rằng, Sở chỉ phân cấp cấp phép nội dung QC khi quận, huyện đảm bảo được điều kiện quản lý.
Những tấm biển quảng cáo cỡ lớn trên đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài. Ảnh: Đức Bái
|
Mặc dù, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội biện minh cho việc "hành" DN là quy định về thủ tục hành chính bắt buộc phải thực hiện. Song, ông Tô Văn Động phản bác ý kiến này và nhận định những xung đột về mặt pháp lý thuộc lỗi của cơ chế chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm bàn thảo tháo gỡ cho DN. "Sở VHTT&DL là đơn vị chịu trách nhiệm chính về mặt quản lý Nhà nước trong lĩnh vực QC nên sẽ có trách nhiệm đàm phán với các ban, ngành liên quan để giảm bớt thủ tục hành chính, tránh trường hợp khi cấp phép, đơn vị nào cũng đòi hỏi quyền lợi nhưng đến khi có DN vi phạm thì các đơn vị đều chối bỏ trách nhiệm" - Giám đốc Sở VHTT&DL Tô Văn Động khẳng định.
Những quy định được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến vừa qua mới chỉ là dự thảo của QHQC ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự kiến, sẽ có nhiều buổi lấy ý kiến góp ý cho QH trước khi ban hành. Và vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý văn hóa lại là việc ban hành QH và thực thi có đúng như QH hay không.