Kinhtedothi - Chị không phải là người không làm ra tiền hay hoang phí, nhưng chị luôn mong anh hiểu rằng, tiền bạc phải phục vụ thiết thực cho cuộc sống, chứ mình không phải nô lệ của nó. Chị không muốn cuộc sống gia đình mình bất hạnh bởi chữ “tiền”.
Đã rất nhiều lần chị nói với anh rằng: “Tiền bạc có thể là phương tiện để người ta đạt được đến hạnh phúc hay nói cách khác, tiền bạc là cần thiết, nhưng không phải là quan trọng nhất, có nhiều thứ còn quý giá hơn gấp bội”. Nhưng đáp lại chị là cái cười nhạt của anh kèm câu nói: Thời buổi này, kẻ nào giàu có thì được nể nang, trọng vọng, còn chữ nghèo thường gắn với chữ hèn... Cũng bởi cái suy nghĩ coi trọng đồng tiền quá mức ấy mà anh trở thành một người keo kiệt, nếu không muốn dùng chữ là “quá bần tiện” trong cư xử hàng ngày, khiến cho gia đình nhiều lúc như rơi vào địa ngục.
Hai vợ chồng đều có lương cao nhưng anh nhất định không chịu chia sẻ với vợ khoản chi tiêu nào. Anh bảo anh phải dành dụm để mua nhà. Nhưng rồi khi nhà cũng là do chị và gia đình mua, anh lại bảo tiền anh để dành lo cho tương lai của các con. Ừ thì như thế cũng tốt, chị chặc lưỡi và tự mình làm, tự mình nuôi gia đình, với mức lương của chị điều ấy cũng không khó khăn. Chị mặc anh với cái đống tiền tiết kiệm to đùng mà anh đang thích thú, nhưng anh lại không để cho chị yên. Tuy là chị tự làm tự tiêu, nhưng anh luôn để mắt một cách gắt gao, nếu cảm thấy việc chi hơi có điều gì “bất ổn” là anh lại hạch sách chị. Hôm nào có việc gì không thể đừng, phải chi nhiều tiền như cưới hỏi của các em, hay con ốm, mẹ đau là cả ngày anh cứ than vãn tiếc mãi. Cuộc sống hiện đại biết bao nhiêu thứ phải chi tiêu, biết bao nhiêu nhu cầu phải đáp ứng, cũng vì vậy cuộc sống gia đình chị cứ nặng nề, mệt mỏi bởi những phàn nàn tiếc tiền của anh. Nhiều lúc chị bực đến độ gắt lên, “đấy là tiền em làm ra, muốn mua gì là việc của em”. Lúc đó, anh lại tua đi tua lại điệp khúc: Tiền mang gửi vào tiết kiệm hoặc mua vàng để sau này dùng vào việc lớn. Em đừng mua sắm nhiều thế nữa, thế là đủ rồi...
Chị cũng biết tiền bạc vốn là một chủ đề nhạy cảm không phải ai cũng muốn đề cập đến trong cuộc sống vợ chồng. Chị cũng thấy được những bài học nhãn tiền khi không ít người, dù biết rằng đã là vợ chồng thì không hề có sự tính toán với nhau trong chuyện tiền nong, nhưng mâu thuẫn, khúc mắc quanh chữ tiền vẫn xảy ra. Bởi thế, chị tránh hết mức để xảy ra to tiếng với anh về tiền. Anh cứ nói, chị nghe nhiều, thấy nhiều, rồi đến lúc chị cũng không còn để ý đến những lời nói của anh nữa. Nhưng cái lần có người họ hàng ở quê ra, ở lại chơi với anh chị một ngày, chị mới thấy dường như “sáng tỏ” con người thực của anh. Khách vừa đi khỏi, anh lập tức chỉ trích chị: “Sao em phải sĩ diện hão thế. Tiền bạc chính là khúc ruột của mình chứ nào phải cỏ rác mà cứ tiêu pha bừa bãi. Lần sau đừng bày đặt giữ lại đây cho tốn kém”. Chị kinh ngạc đến mức một lúc sau mới thốt lên được: “Sao anh lại bần tiện đến mức tính toán cả với người thân của mình. Bác ấy lặn lội đường xa đến đây chơi là vì tình nghĩa chứ đâu phải vì bữa ăn, chút quà. Sao anh lại bạc như thế”. Anh cười nhạt: “Tôi chỉ nhỏ nhen, tầm thường vậy thôi, tiền phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được chứ có phải giấy vụn đâu...”. Chị thấy trái tim mình quặn thắt lại khi nghe những lời anh nói. Thoáng qua trong đầu chị hai chữ li dị, không lẽ suốt đời chị phải sống với người keo kẹt, bủn xỉn trong đối nhân xử thế như thế này? Điều ấy quá dễ, nhưng còn các con, chị không muốn chúng phải sống cảnh chia rẽ. Chị thực sự thấy mình bế tắc.
Chị nhìn những cặp vợ chồng khác, họ có thu nhập còn ít hơn vợ chồng chị rất nhiều, nhưng chữ “tiền” không bao giờ là nguyên nhân khiến cuộc sống của họ rơi vào bế tắc như chị. Chị chỉ mong anh hiểu ra, có quan niệm thoáng hơn về tiền bạc. Dù rằng ai làm người ấy tiêu hay cùng “góp gạo thổi cơm chung”, chị chỉ mong rằng chữ “tiền” không còn là chủ đề để anh mang trách móc nhau. Bởi dù ít dù nhiều, những nghi ngờ ấy tất dẫn đến rạn nứt mối quan hệ. Chị tự nhủ, “không thể duy trì cách sống này được, phải đả thông tư tưởng cho con người này”. Chị sẽ tìm cách để anh tập nói “của chúng ta” thay vì nói "của tôi" như trước đây. Bởi chị biết, chỉ khi nào nhận thức được như vậy, vợ chồng mới thật sự trọn vẹn tin tưởng, thương yêu nhau. Không thể để hôn nhân tan vỡ bởi chữ “tiền” được... Tự nhủ vậy, nhưng nhìn anh xuýt xoa tiếc tiền trước cái đàn piano điện tử chị mới mua cho con gái, lòng chị chợt nặng trĩu. Dẫu vậy, trong tâm tưởng, chị quyết tâm thay đổi anh, không để đồng tiền phá vỡ tổ ấm hạnh phúc.
Ảnh minh họa.
|