Ông có thể cho biết lý do Hà Nội mở rộng tuyến phố đi bộ ra khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận? - Từ năm 2004 đến nay Hà Nội đã tổ chức nhiều tuyến phố đi bộ tại khu vực phố cổ. Tuy nhiên các tuyến phố đi bộ hiện tại là Hàng Đào - Đồng Xuân và tuyến phố Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, lượng du khách đến tham quan rất đông, thường xuyên quá tải. Để giải quyết tình trạng này, từ 1/9 tuyến phố đi bộ sẽ được mở rộng sang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận như: Phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền... vào các ngày cuối tuần (từ thứ Sáu đến Chủ nhật) tạo thêm không gian đi bộ, vừa quảng bá giá trị lịch sử văn hóa hồ Hoàn Kiếm. Việc mở rộng tuyến phố đi bộ ra khu vực hồ Hoàn Kiếm đồng thời kết nối với phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và 6 tuyến phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, có tác dụng duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống. Đồng thời góp phần bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội. Qua đó tạo lập các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại, tinh hoa ẩm thực của Hà Nội tới khách du lịch. Ông vừa nói việc mở rộng tuyến phố đi bộ góp phần bảo tồn và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội. Vậy, các hoạt động văn hóa truyền thống sẽ được tổ chức như thế nào ? - Sau khi đưa tuyến phố đi bộ mở rộng vào hoạt động, quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành liên quan sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao. Cụ thể từ 1/9, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật truyền thống như biểu diễn ca trù, hát chèo, nhạc cụ dân tộc và hòa nhạc, triển lãm tranh sẽ được tổ chức thường xuyên tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, khu vực nhà Bát Giác, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu; Biểu diễn nghệ thuật ánh sáng tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tại khu vực tượng đài Cảm Tử, quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành liên quan cũng sẽ tổ chức các trò chơi dân gian dành cho thanh thiếu niên. Tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm luôn thu hút một lượng lớn người dân và khách du lịch nên nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng sẽ tăng cao. Vậy, UBND quận Hoàn Kiếm có kế hoạch nâng cấp hệ thống này như thế nào, thưa ông? - Quận Hoàn Kiếm đã tổ chức nâng cấp hạ tầng cơ sở trong không gian đi bộ mở rộng. Cụ thể: Duy tu hè phố, đường dạo, bổ sung các ghế ngồi nghỉ, đặt thêm các bồn hoa trang trí. Bố trí 6 điểm vệ sinh công cộng, đồng thời vận động các nhà hàng, khách sạn, cơ quan và các hộ dân mở cửa để khách đi bộ vào đi vệ sinh miễn phí. Việc này đã nhận được sự đồng thuận cao của các chủ cơ sở kinh doanh. Trong thời gian tới cả khu vực sẽ được trang bị đồng bộ thùng rác, nhà vệ sinh, bảng biểu chỉ dẫn, nhà chờ xe buýt... Tăng cường hệ thống chiếu sáng xung quanh hồ, các điểm di tích, công tác thu gom rác thải trong các tuyến phố đi bộ cũng được tăng cường. Nhằm giúp du khách dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin cần thiết, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Du lịch, Sở TT&TT, VNPT thực hiện việc lắp đặt các hộp phát sóng wifi miễn phí tại khu vực này. Người dân, du khách khi tham quan phố đi bộ đến 2 giờ sáng đều có nhu cầu mua sắm, quận Hoàn Kiếm có đáp ứng được nhu cầu này hay không? - Quận Hoàn Kiếm sẽ cho phép các cơ sở kinh doanh như khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, cửa hiệu... tại khu vực này được phép mở cửa bán hàng đến 2 giờ sáng. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, những cơ sở này phải có đăng ký, không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, phải tổ chức trông giữ phương tiện của khách và có phương án đảm bảo an ninh trật tự. Đối các ngành nghề, mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải có đầy đủ giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật, cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP, phòng chống cháy nổ... Đối với các cơ sở kinh doanh có sử dụng âm thanh, trong quá trình kinh doanh phải có hệ thống cách âm, tiêu âm, đảm bảo độ ồn trong phạm vi cho phép.
Nhằm ngăn chặn tình trạng “chặt chém”, ép giá, UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu những cơ sở muốn kinh doanh đến 2 giờ sáng phải đăng ký với UBND phường để địa phương tổ chức quản lý, xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều người dân đặt câu hỏi vấn đề giao thông tĩnh sẽ được giải quyết như thế nào? - Nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trông giữ phương tiện di chuyển cho phục vụ du khách và Nhân dân tham quan khu vực hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở GTVT tổ chức 78 điểm trông giữ ô tô, xe đạp, xe máy, với diện tích gần 17.400m2, sức chứa 87 xe du lịch, 607 xe ô tô con, 2.751 xe đạp, xe máy. Phương án đối phó với lượng phương tiện tăng đột biến cũng được tính đến. Khi đó một số trường học sẽ được huy động. Ngoài ra, hàng chục điểm trông xe sẵn có cũng tham gia phục vụ khách đi bộ. Ước tính những điểm dự phòng có thể đáp ứng ngay hàng nghìn chỗ để xe. Ngoài ra, Hà Nội cũng điều chỉnh điểm đón xe buýt quanh hồ Hoàn Kiếm ra đường Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, điểm đón mới này vừa gần trung tâm, lại có thể tăng số chuyến mà không ảnh hưởng đến giao thông; Công ty CP Đồng Xuân xây dựng tuyến trung chuyển khách du lịch vào khu vực hồ Hoàn Kiếm. Riêng với các hộ dân, cơ quan trong khu vực tổ chức không gian đi bộ có nhu cầu đi xe mô tô, xe gắn máy và xe thô sơ sẽ được phát phiếu nhận diện, khi đến điểm cấm gần nhất được phép dắt xe về nhà. Nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá trông giữ xe quá mức cho phép, quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội kiểm tra, giám sát việc trông giữ phương tiện ở các bãi xe, nếu nhân viên vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Cụ thể, mức trông xe ở các bãi xe này theo quy định ô tô con là 30.000 đồng/lượt 120 phút, xe máy ban ngày là 3.000 đồng, ban đêm là 5.000 đồng/xe. Xin cảm ơn ông!
Phố Lê Thái Tổ. Ảnh: Thanh Hải |